Bạn muốn tìm hiểu thêm về công việc của một nhà thiết kế đồ họa? Thiết kế đồ họa đôi khi được coi là một chuyên ngành duy nhất, nhưng thực tế có rất nhiều công việc khác nhau trong lĩnh vực này. Một số nhà thiết kế đồ họa có thể làm việc trên nhiều dự án, trong khi đó, những người khác lại chuyên về một lĩnh vực cụ thể.
Cho dù bạn là người mới bắt đầu tìm hiểu về cách trở thành nhà thiết kế đồ họa hay muốn tìm hiểu thêm về các kỹ năng mà một Designer cần có, hãy tìm hiểu 8 loại công việc thiết kế đồ họa đáng chú ý trong năm 2022 qua bài viết dưới đây.
1. Brand Identity Design (Thiết kế nhận diện thương hiệu)
Hầu hết mọi người khi nghĩ về thiết kế đồ họa thường hay liên tưởng đến thiết kế logo. Tuy nhiên, thiết kế logo chỉ là một khía cạnh của thiết kế đồ họa.
Ngoài logo, một bộ nhận diện thương hiệu hoàn chỉnh còn gồm nhiều ấn phẩm khác được thiết kế đồng bộ với nhau về màu sắc, họa tiết đi kèm,… thể hiện giá trị cốt lõi của thương hiệu. Do đó, khi thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, Designer thường chịu trách nhiệm tạo ra phong cách thương hiệu và bộ hướng dẫn quy chuẩn để các thiết kế khác có thể đồng bộ với nhau. Các nhà thiết kế khi làm việc trong mảng này sẽ thường xuyên làm việc với:
- Typography
- Thiết kế logo
- Bảng màu
- Danh thiếp và bộ văn phòng phẩm
- Hệ thống biểu tượng
- Brand guidelines
Logo của thương hiệu “The Barn Media” – Thiết kế bởi Paul Dunbar
2. Marketing & Advertising Design (Thiết kế quảng cáo & tiếp thị)
Cho dù xuất hiện trên nền tảng online hay in ấn, các thiết kế dùng trong tiếp thị và quảng cáo là những yếu tố quan trọng trong chiến lược quảng bá của bất kỳ công ty nào.
Vì mục tiêu của tiếp thị và quảng cáo là thúc đẩy người tiêu dùng mua hàng hoặc đăng ký sản phẩm/dịch vụ nên các nhà thiết kế làm việc trong các lĩnh vực này cần phải nắm rõ tâm lý và hành vi khách hàng. Các nhà thiết kế đồ họa chuyên về mảng này thường tập trung vào các công việc như:
- In ấn và quảng cáo kỹ thuật số
- Thiết kế ấn phẩm truyền thông xã hội
- Ảnh bìa Podcast
- Thiết kế banners
- Email Marketing
- Brochures & Posters
- Biển quảng cáo Billboard
Áp phích quảng cáo của dịch vụ ngân hàng di động – Thiết kế bởi Tubik
3. Packaging Design (Thiết kế bao bì)
Mọi sản phẩm vật lý đều cần có bao bì, bao bì không chỉ bảo vệ sản phẩm bên trong mà còn tạo điều kiện cho việc di chuyển và bảo quản. Một bao bì đẹp và ấn tượng sẽ giúp cho sản phẩm hấp dẫn hơn những sản phẩm khác trên thị trường.
Để làm việc trong lĩnh vực này, các nhà thiết kế đồ họa cần phải nắm chắc kiến thức về thương hiệu cũng như tâm lý, hành vi người dùng để tạo ra những bao bì thu hút, khiến khách hàng muốn mua hàng ngay lập tức. Bên cạnh đó, họ cũng cần phải nắm rõ lý thuyết màu sắc, bố cục, kiểu chữ, cũng như quy định về những thông tin nào sẽ xuất hiện trên bao bì sản phẩm (ví dụ như thông tin dinh dưỡng).
Bao bì của một thương hiệu bánh cookie – Thiết kế bởi Joshuah X. Miranda
4. Web & User Interface Design (Thiết kế Web và giao diện người dùng)
Để làm việc thật tốt trong mảng này, Designer cần phải nắm vững các nguyên tắc thiết kế, cũng như hiểu biết về thiết kế trải nghiệm người dùng và các nguyên tắc mã hóa cơ bản.
Mặc dù các nhà thiết kế web có thể không cần thực hiện bất kỳ mã hóa nào nhưng việc hiểu biết về chúng sẽ giúp các Designer có thể tối ưu thiết kế trên web/app. Các nhà thiết kế chuyên làm việc trong lĩnh vực này thường đảm nhận các dự án về: landing pages, trang web tiếp thị, thiết kế ứng dụng, giao diện trò chơi, WordPress,…
Giao diện ứng dụng kinh doanh Pizza – Thiết kế bởi Ghulam Rasool
5. Print & Publication Design (Thiết kế in ấn và xuất bản)
Để làm việc trong ngành in ấn và xuất bản, Designer cần phải hiểu rõ các nguyên tắc và thông số kỹ thuật của việc tạo các file in. Bên cạnh đó, cần nắm chắc lý thuyết màu sắc, hệ màu, cũng như định dạng ảnh nào hoạt động tốt nhất trong môi trường in và kỹ thuật số. Công việc chính của các nhà thiết kế in ấn và xuất bản là:
- Thiết kế sách/báo/tạp chí
- Thiết kế menu, album
- Hàng hóa và quần áo
- Tài liệu quảng cáo và tờ rơi
- Văn phòng phẩm
Thiết kế bìa sách bởi Cleo Lauro
6. Lettering & Type Designer (Thiết kế chữ)
Một lĩnh vực thường bị bỏ qua của thiết kế đồ họa đó là thiết kế chữ. Khi trở thành nhà thiết kế trong lĩnh vực này, bạn sẽ làm việc với chữ từ kiểu chữ, font chữ đến các thiết kế viết tay.
Các nhà thiết kế chữ cần phải nắm rõ các khái niệm về kerning (khoảng cách giữa 2 chữ cái), độ cao dòng, cũng như những yếu tố nào đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra tổng thể một kiểu chữ dễ đọc. Ngoài ra, cũng cần nắm vững các nguyên tắc để đảm bảo kiểu chữ đẹp, dễ đọc và dễ dàng ứng dụng trong thiết kế đời thực.
Thiết kế bởi Jordan Cullen
7. Graphic Illustration (Thiết kế hình minh họa)
Khi nhắc đến thiết kế đồ họa, bạn có thể không nghĩ ngay đến hình minh họa. Tuy nhiên, trong năm 2022 các họa sĩ minh họa đang được săn đón ngày càng nhiều khi các thương hiệu đẩy mạnh hoạt động sử dụng hình minh họa trên nền tảng online.
Các nhà thiết kế minh họa thường thiết kế hình minh họa sống động hiển thị trên web và các phương tiện truyền thông xã hội,… Là một nhà thiết kế minh họa chuyên nghiệp, bạn sẽ làm việc với hình ảnh bao gồm:
- Những sản phẩm kỹ thuật số
- Bài đăng trên blog và các bài báo
- Sách và tạp chí
- Game
- Trang phục
Thiết kế minh họa cuốn sách “Grow your oak” – Thiết kế bởi Adam Grason
8. Data Visualization & Infographic Designer (Nhà thiết kế chuyên về xử lý dữ liệu và đồ họa thông tin)
Các nhà thiết kế chuyên về xử lý dữ liệu và đồ họa thông tin cần phải nắm vững cách để thể hiện dữ liệu một cách chính xác và dễ hiểu.
Làm việc trong lĩnh vực này có nghĩa là bạn sẽ làm việc với các tập dữ liệu lớn và trình bày những dữ liệu phức tạp, khó hiểu đó trở nên dễ “tiêu hóa” đối với người xem. Đây là một lĩnh vực khá khó và đòi hỏi các Designer phải có khả năng xử lý thông tin, dữ liệu nhanh nhạy. Bên cạnh đó là khả năng tư duy logic và liên kết dữ liệu với hình ảnh.
Infographic minh họa đợt bùng phát đại dịch Covid-19 – Thiết kế bởi James Round
Thiết kế đồ họa là một ngành rộng lớn bao gồm nhiều công việc chuyên biệt. Mỗi một công việc lại yêu cầu những kỹ năng và vốn kiến thức nhất định. Vì thế, cho dù bạn chọn chuyên về một công việc thiết kế đồ họa cụ thể nào hay trở thành một Designer “đa zi năng” làm việc trong nhiều lĩnh vực thì hãy học tập chăm chỉ và luyện tập nhiều hơn để lựa chọn một hướng đi phù hợp nhất cho mình.
Nguồn: Dribbble.com
Việt hóa bởi FPT Arena Multimedia