Dựa trên triết lý “Làm khác để làm tốt” của Tổ Chức Giáo Dục FPT, FPT Arena Multimedia xây dựng văn hóa học tập bằng việc đưa phương pháp giảng dạy Constructivism (Học thuyết Kiến Tạo Xã Hội) vào các môn học từ học kỳ Spring.
Phương pháp Constructivism là gì?
Constructivism được bắt nguồn tư tưởng bởi J.Piaget – Nhà tâm lý học và triết học người Thụy Sĩ. Theo đó, người học không phải là một cái “thùng rỗng” chờ người dạy “rót đầy” mà là một chủ thể sáng tạo, chủ động tiếp nhận những kiến thức, kinh nghiệm mới trên cơ sở vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm đã có.
Với mong muốn đưa Constructivism vào chương trình học tập, Chủ tịch tập đoàn FPT Trương Gia Bình đã từng tự mình đứng lớp dạy toán cho sinh viên để có những cảm nhận rõ ràng về kết quả mà phương pháp này mang lại.
Constructivism – Học thuyết Kiến Tạo Xã Hội là phương pháp khuyến khích sinh viên tự học, tự nghiên cứu và tự xây dựng kiến thức cho mình, còn giảng viên chỉ đóng vai trò tổ chức điều khiển và kiểm soát quá trình tự học của sinh viên. Song hành với Constructivism, sinh viên sẽ được trải nghiệm học tập trên EduNext – một nền tảng của FPT hỗ trợ tốt nhất cho việc học.
Sự khác biệt giữa phương pháp Constructivism so với phương pháp học tập truyền thống
Có 2 điểm khác biệt lớn nhất so với phương pháp dạy học truyền thống thầy giảng – trò nghe đó là:
- Giảng viên sẽ hạn chế lối thuyết giảng truyền thống trên lớp, mà thay vào đó là chuẩn bị tài liệu, hướng dẫn cho sinh viên cách học bài, cách nghiên cứu bài trước khi đến lớp. Khi lên lớp, giảng viên sử dụng bộ câu hỏi kiến tạo đã chuẩn bị, đặt câu hỏi để người học lần lượt trả lời.
- Thứ hai, với phương pháp này sinh viên luôn phải nghiên cứu tài liệu trước khi đến lớp. Khi đến lớp, sinh viên chủ động trả lời các câu hỏi, lắng nghe hoặc phản biện câu trả lời của sinh viên khác để từ đó rút ra kiến thức cho bản thân.
Nhờ sự khác biệt này, học thuyết Kiến tạo Xã hội sẽ giúp nâng cao các kỹ năng cho sinh viên như: tự học, phản biện, làm việc nhóm, thuyết trình, hợp tác, phát triển tư duy sáng tạo…
Đối với Multimedia – một lĩnh vực sáng tạo và luôn có sự đổi mới theo dòng chảy của công nghệ, phương pháp học tập này càng phù hợp. Đặc biệt, trong bối cảnh phải học online vì dịch bệnh, Constructivism sẽ khuyến khích các bạn sinh viên chủ động tìm hiểu kiến thức, tăng sự tương tác và phản biện giữa giảng viên và sinh viên, đồng thời làm mờ đi ranh giới giữa lớp học online và offline. Từ đó, rèn cho các bạn khả năng tự học cũng như những kỹ năng mềm cần thiết, hỗ trợ cho công việc và cuộc sống.
Không ngừng đổi mới để đem đến phương pháp học tập tối ưu nhất là cách mà FPT Arena Multimedia (FAN) đã thực hiện trong suốt 18 năm qua. Với phương pháp học tập Constructivism, FAN mong muốn sẽ tạo một môi trường học tập cởi mở, không chỉ dừng lại ở việc rèn luyện kiến thức, kỹ năng chuyên môn mà còn trang bị cách thích ứng với những biến động khó lường của thời cuộc cho tất cả các bạn sinh viên đã và sẽ gia nhập “Trạm sáng tạo” FAN. Đây cũng chính là hành trang vững chắc nhất để tạo nên những kỹ năng cốt lõi của một công dân thế hệ số.