Trước những cơn sóng biến chuyển không ngừng của thế giới chung, liệu các Freelancer đã kịp linh hoạt cho “cú twist” chuyển mình như “tắc kè hoa” để thích nghi trong mùa Covid hay chưa? Câu trả lời đã có trong Zoomtalk: “Đời sống Freelancer mùa Covid”, là rất nhiều câu chuyện thật từ những con người thật, thủ thỉ như những người bạn đang ngồi cafe hay “trà đá vỉa hè” kể cho nhau nghe.
Là một trong những sự kiện thuộc chuỗi dự án “NÓI NHỎ NÓI TO – nhỏ to cùng chia sẻ”, Zoomtalk Đời sống Freelancer mùa Covid được tổ chức vào tối ngày 10/09 vừa qua với sự chia sẻ từ thầy Vũ Đình Hùng – Founder Sync Production/Giảng viên FPT Arena Multimedia Hà Nội. Với vai trò là một Art Director, Visual Artist của nhiều TVC, thực hiện những dự án hợp tác với UNICEF, FAO cùng kinh nghiệm hơn 10 năm trong giảng dạy ngành Multimedia, thầy đã thực sự đem đến Zoom Talk buổi chuyện trò đáng ngẫm về chuyện đời chuyện nghề của các Freelancer trong mùa Covid.
Bên cạnh đó là những chia sẻ để làm sao có thể thích nghi với thời cuộc, cách khiến bản thân trở nên bứt phá hay dự đoán về thế giới số trong tương lai khiến người tham gia sẽ thật thật khó để rời khỏi câu chuyện giữa chừng.
Chấp nhận bản thân trước khi thế giới chấp nhận mình
Có bao giờ bạn tự hỏi rằng chúng ta đã từng làm như thế nào để tồn tại với cuộc sống đầy khắc nghiệt này không? Đã bao giờ bạn hỏi rằng mình đã đi những bước đầu tiên trong thế giới đầy cạnh tranh này như thế nào chưa?
Có lẽ ai cũng có những “first step” của riêng mình, đó chính là những bước đi đầu đời mà bạn đã từng đi, có thể bạn đã đi với sự hồn nhiên bộc phát, hoặc với sự toan tính kỹ lưỡng, nhưng suy cho cùng, dù đó là gì đi chăng nữa thì cũng chả sao cả, khi nhìn lại điều quan trọng không phải là kết quả của những bước đi toan tính hay “ngây thơ” đó như thế nào, mà điều quan trọng là chúng ta đã từng đi như thế nào và chúng ta đã học được gì.
Bước vào thế giới Freelancer cũng vậy, bạn có thể toan tính rằng mình bước vào một ngành nghề với sự bất ổn về môi trường, về tiền lương, về các mối quan hệ như thế này mình sẽ phải làm cái này làm cái kia, kiếm được từng này tiền, phải thích nghi theo hướng đã dự định, tính từng đường đi nước bước để tạo cho mình một lối đi ít “bụi rậm” nhất, cũng có thể chỉ đơn giản bạn thấy cuộc sống văn phòng sáng 8 giờ vào làm còn chiều 5 giờ tan ca quá nhàm chán, muốn thử một dư vị mới lạ như đưa trẻ con muốn thử hương vị của que kẹo mới mà thôi.
Dẫu sao điều đó đâu quan trọng, cuộc sống luôn luôn biến động, hôm nay là một ngày mai có thể là hai, hơn nữa nếu bạn còn trẻ thì hãy can đảm lên mà bước đi. Hãy cứ bước vào thế giới Freelance và bắt tay làm từng việc một: Content Writer, Designer, Production, Editor… hãy cứ dần dần làm những thứ bạn cảm thấy hứng thú nhất, học thật sâu rồi mới học rộng, hãy để bản thân với một tâm thế sẵn sàng học hỏi, chấp nhận thách thức mạo hiểm, rồi bạn sẽ tìm thấy lối đi của mình.
Freelance giống như làm dâu trăm họ vậy, bạn phải biết cách thích ứng với khách hàng, với môi trường, biết cách tìm kiếm nguồn việc của mình. Hầu như nghề nào cũng cần danh tiếng và kinh nghiệm, nhưng với một nghề mà nếu bạn không có chút uy tín hoặc kinh nghiệm, bạn sẽ trở nên nhỏ bé và vô hình như hạt cát giữa sa mạc vậy.
Vậy, câu hỏi đặt ra là, với một nghề đặc thù về môi trường, về các mối quan hệ như freelancer thì chúng ta nên làm thế nào để có kinh nghiệm cho bản thân mình, tìm kiếm được nguồn việc? Nếu bạn là một người đã có cơ hội làm ở những môi trường khác nhau, có cơ hội tiếp xúc và mở mang các mối quan hệ… thì đây chính là nơi mà bạn có thể bắt đầu được công việc đầu tiên của mình, hay nói cách khác đây chính là nguồn việc của bạn.
Bạn có thể lấy giá rẻ hoặc làm miễn phí trước để tạo uy tín, thêm kinh nghiệm, sau đó không ngừng nâng cao bản thân để có thể trở nên tốt hơn, khi đến một mức độ nào đó, chắc chắn giá trị sản phẩm sẽ tương xứng với năng lực mà bạn bỏ ra. Do đó, hãy học cách chấp nhận và nâng cao bản thân trước khi “yêu cầu” thế giới chấp nhận mình.
Học cách “làm miễn phí” cũng là một bước để “làm nghề” trưởng thành
Freelancer là cần phải là “tắc kè hoa” trong thế giới nhiều màu sắc – linh hoạt để thích nghi trong mọi hoàn cảnh. Thế giới đó nhiều hứa hẹn, đẹp như những “giấc mơ Mỹ” mà ông bà ta ngày xưa mơ ước… nhưng cũng đầy tính cạnh tranh. Để làm được nghề không chỉ cần có kinh nghiệm, uy tín, mối quan hệ mà còn cả sự may mắn nữa. Vậy nếu bạn là một newbie thì sao, có lối đi nào cho những người mới muốn bước vào thế giới đầy màu sắc của Freelancer khi chưa nhiều kinh nghiệm, chưa nhiều mối quan hệ? Làm sao để tạo được thương hiệu “tôi” trong thế giới này?
Câu trả lời ở đây là hãy cho thế giới biết bạn là ai, bạn tốt như thế nào mà họ cần đến bạn. Vậy làm sao để cho thế giới biết bạn là ai? Hãy tạo dấu ấn cá nhân của bạn. Nếu không có cơ hội tham gia vào các dự án thì hãy tự mình làm của mình: Hãy học hỏi, tìm hiểu để làm ra một Project cá nhân, thể hiện hết tài năng và bản lĩnh của mình trong thế giới đó, làm cho mình trở nên nổi bật với số đông ngoài kia.
Làm project cá nhân sẽ là một first step tốt để bạn học cách “face up to” những vấn đề mới mẻ và khó “nhai”, học cách chịu áp lực, sự đánh giá từ công chúng trước khi chịu áp lực từ khách hàng, học cách nhìn nhận sự khác biệt giữa thực chiến và lý thuyết (các đồ án ở trường,…), biết cách để xây dựng và tạo hình ảnh tốt trên các phương tiện Mass Media(Instagram, Blog…) khi bạn đủ tạo sóng, công việc tự khắc việc sẽ đến. Đừng ngần ngại lo sợ sự sơ sài, sự sai sót trong những project đầu tay, sự đánh giá từ dư luận bởi, “thất bại là mẹ thành công”.
Bản thân thầy Vũ Đình Hùng, trước khi trở thành một người dày dặn kinh nghiệm, có tiếng và thành công trong lĩnh vực design, art như hiện tại thầy cũng đã từng trải qua thời mới tốt nghiệm, chưa kinh nghiệm. Lúc đó, “thầy cũng đã làm những project cá nhân: phim ngắn, music video, visual effect, artwork… dù trong đó có nhiều project chưa được hoàn thành, chưa được bầu chọn lên top nổi bật trong tuần (picture of the week) như kỳ vọng, nhưng thầy đã học được rất nhiều từ những project đó để có thể trở nên bản lĩnh và kinh nghiệm như hiện tại” – Thầy chia sẻ.
Một ví dụ khác cho việc làm miễn phí, chấp nhận chịu lỗ để tạo được uy tín, kinh nghiệm chính là Redteam. Thời điểm đó (2009-2010), họ mới bắt đầu sự nghiệp bằng làm MV. Tất nhiên, khi bạn là người mới chưa có gì để được chú ý, để thu hút thì sẽ không có lợi nhuận. Nhận thức được điều đó nhưng nhóm vẫn quyết tâm cố gắng để làm nổi bật mình, nhóm chấp nhận làm MV, sẵn sàng bỏ tiền túi, thua lỗ 50%, 70% hay 100% cho dự án Music Video mà họ cũng không màng, bởi họ biết PR được thương hiệu, xây dựng tên tuổi của mình là rất quan trọng. Và hiện tại, nhóm cũng đã đạt được những thành công nhất định. Chính vì vậy, hãy học cách làm cho mình đủ tốt để xứng đáng nhận được giá trị tương xứng.
Làm quá nhiều hay chơi quá nhiều?
Freelancer với tính chất công việc như đúng cái tên gọi của nó: Free – tự do thoải mái, không gò bó về mặt không gian. Quả thật, đây là một trong những ưu điểm khiến nhiều bạn trẻ quyết định từ bỏ công việc văn phòng để về làm Freelancer, một phần nữa họ cho rằng công việc này thoải mái, thu nhập cũng ổn định, lại được làm những điều gì mình muốn – sống với đam mê.
Những quan điểm này không sai, tuy nhiên dường như có nhiều bạn vẫn chưa có nhận thức thật sự rõ ràng về vấn đề tiền lương, nguồn việc, cách cân bằng công việc và cuộc sống khi làm Freelancer, nhất là khi đại dịch Covid-19 đã và đang diễn ra.
Có thể nói, làm Freelancer thu nhập sẽ không đều giữa các tháng bởi vì có tháng thì sẽ làm quá nhiều, có tháng thì sẽ chơi quá nhiều, chính vì vậy thu nhập các tháng sẽ phụ thuộc vào việc bạn làm bao nhiêu thì sẽ “kiếm” bấy nhiêu.
Thầy Hùng cũng từng làm song song hai công việc là Giảng viên FPT Arena và quản lý team riêng của mình, tuy nhiên vì tính chất không ổn định và khó cân bằng cuộc sống, thầy đã quyết định tập trung làm hết mình vào một việc mà thôi. Thầy cũng rất tâm đắc với một câu nói MC Hữu Bằng VTV rằng: “Nếu chúng ta làm hết mình, danh tiếng và tiền bạc sẽ tự đến” – đây cũng là lời khuyên của thầy dành cho các bạn freelancer nói riêng và các bạn làm nghề khác nói chung, hãy cứ làm hết mình đi, dù công việc có bất ổn như thế nào chỉ cần cố gắng thì thành công cũng sẽ đến.
Thế giới sẽ không bao giờ trở lại như trước, chúng ta nên học cách để thích nghi!
Đây cũng chính là lời nhận định về tương lai của thầy về thế giới hiện tại với đại dịch Covid-19. Tất nhiên, với một bối cảnh như hiện tại, hầu như bất cứ nghề nghiệp nào cũng vậy, không chỉ về mặt tài chính thể chất bị ảnh hưởng mà còn ảnh hưởng cả mặt tâm lý nữa. Tuy nhiên, trầm uất mãi không phải là một giải pháp hay.
Ngay cả đối với chính thầy Hùng cũng đã từng bị ảnh hưởng và đảo lộn cuộc sống “sáng dậy uống cafe, chiều đến văn phòng làm việc, tối tối cùng bạn đi chơi câu cá”. Nhưng bản thân thầy đã kịp thay đổi để thích ứng với cuộc sống hiện tại “không đến văn phòng được thì tự thuê nhà, tự pha cafe, tự nấu ăn, chạy project tại phòng, dẫu sao thì cuộc sống vẫn rất ổn và vẫn rất thú vị, bên cạnh đó cũng học thêm được nhiều thứ”. Thầy cũng đã trải qua việc người bạn mất do Covid-19 tại TP..HCM, tuy nhiên dẫu sao thì cuộc sống vẫn cứ trôi qua, cái quan trọng là cách ta đối mặt với nó như thế nào.
Với đại dịch như hiện tại, rất nhiều người bị ảnh hưởng, hay mất việc. Có câu hỏi khá thú vị được một bạn tham gia Zoom Talk đặt ra rằng “liệu làm Freelancer, làm Designer mùa dịch có thuận tiện hơn không, có nhiều việc hơn không”. Trên thực tế có nhiều người nghĩ rằng Freelancer với tính chất tự do như vậy thì dịch bệnh cũng sẽ không ảnh hưởng nhưng thật ra bất cứ ngành nào cũng có sự khủng hoảng nhất định, chỉ là cách ảnh hưởng khác nhau mà thôi.
Freelancer cũng có nhiều người làm nghề, người thì công việc sẽ tốt hơn, người thì bị mất việc tùy tính chất công việc đó có hay không còn phù hợp trong hoàn cảnh dịch bệnh hay không. Hay những ngành nghề như làm kinh doanh tổ chức các sự kiện chẳng hạn, họ không tổ chức sự kiện, kinh doanh trực tiếp thì họ sẽ dùng tiền để quảng cáo, hoạt động – kinh doanh online. Nói tóm lại, bất cứ hoàn cảnh nào, chỉ cần bạn biết trở mình để thích nghi với thế giới là được.
Tình hình dịch bệnh trong hai năm gần đây khiến tình trạng phá giá để kéo khách xảy ra thường xuyên hơn. Bạn Chí Thành với một thắc mắc rằng “giá để trả cho các sản phẩm của Freelancer ngày càng xuống một phần do bị phá giá, một phần nữa do tính chất công việc, vậy phải làm sao để các sản phẩm làm ra có giá trị tương xứng với chất lượng thật sự?”
Đúng là Freelancer trong những năm gần đây bị phá giá khá nhiều, một phần do đây là ngành non trẻ, chưa có hiệp hội đảm bảo khiến giá bị đẩy xuống, một phần là do tính chất tự do khiến họ chấp nhận lấy giá thấp hơn để cạnh tranh với người khác, vậy phải làm sao?
Câu trả lời đó chính là phải giỏi hơn! “ Phải giỏi hơn có nghĩa là bạn nổi bật, phải đảm bảo được rằng sản phẩm của bạn tốt hơn họ, khi bạn có uy tín, có kinh nghiệm, khách hàng cảm thấy tin tưởng sản phẩm bạn chất lượng thì dù chi phí cao nhưng họ vẫn sẽ chấp nhận trả giá cho sản phẩm chất lượng tương xứng với tiền mà họ bỏ ra. Còn đối với những người phá giá để cạnh tranh, có một sự thật là họ sẽ không làm được lâu dài nếu chỉ hạ giá để chèo kéo khách mà không nâng cao năng lực bản thân, lâu dài khách hàng sẽ thấy những rủi ro mà họ phải chịu khi chấp nhận sản phẩm giá rẻ. Các bạn phá giá để cạnh tranh, có thể bây giờ các bạn chưa thấy, nhưng trong tương lai, các bạn đó sẽ nhận thức được rủi ro của việc phá giá (tiền công làm không đủ để sửa máy tính, chi tiêu cho chi phí sinh hoạt…). Chính vì vậy, đừng lo phái giá mà hãy nâng cao giá trị của bản thân” – Là những gì mà thầy Hùng tâm sự.
Hiện tại thế giới đã đang thay đổi nhanh chóng, trong tương lai sự thay đổi này còn sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, ảnh hưởng tới chúng ta bởi rất nhiều điều: công nghệ thay đổi, suy thoái kinh tế, dịch bệnh xuất hiện biến mất, mọi thứ thay đổi và cần có thời gian để phục hồi, băng tan, ô nhiễm môi trường,…
Chúng ta đều không chắc chắn được tương lai sẽ thay đổi như thế nào, chính bạn cũng không thể biết trong tương lai bạn còn là Freelancer hay bạn sẽ theo một hướng nào đó khác. Nhưng sau cùng, chúng ta không cần chú tâm dự đoán mà cái chúng ta cần chính là học cách thích nghi. Bên cạnh đó là việc học tập để bổ sung kiến thức. Học không chỉ để áp dụng cho việc kiếm tiền mà còn để nhìn ra tương lai xa hơn trong việc định hướng phát triển bản thân.
Từ những câu chuyện “cùng tần số”
Trong suốt quá trình chia sẻ, thầy Hùng vừa như một người thầy lại vừa như một người bạn luôn luôn sẵn sàng lắng nghe mọi băn khoăn, thắc mắc từ mỗi bạn.
Bạn Bách đang trong tình trạng khá bối rối với công việc hiện tại của mình đã đặt câu hỏi rằng: “Làm thế nào để không bị chóng chán khi làm một chủ đề?”. Với một nghề mang tính tự do và thoải mái như Freelancer, việc làm một công việc gì đó quá lâu hay quá nhàm chán sẽ khiến các bạn cảm thấy khó chịu, đặc biệt là với một công việc có tính chất luôn phải làm mới mình thì tinh thần chóng chán là dễ hiểu.
“Cái quan trong ở đây là không phải công việc đó có chán hay không, mà điều quan trọng là bạn đã tìm hiểu và nghiên cứu hết các mặt hay khía cạnh của sự việc hay chưa, chúng ta liệu đã đi được đến điểm cuối của tiến trình hay chưa. Khi bạn bí ý tưởng, cũng sẽ là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy chán, khi bạn đã tìm hiểu sâu hiểu rộng hết vấn đề rồi thì cũng là một lí do khiến bạn cảm thấy chán. Ví dụ như một concept game đơn giản như Angry Birds cũng phải cần sự đầu tư và tìm hiểu kỹ, sau khi tìm hiểu cụ thể và xác định được yếu tố hay rồi thì sẽ tập chung vào yếu tố đó, với Angry Birds là chính cái concept của game làm cho nó nổi lên, và về sau đó nó đã có cả phiên bản Movie nữa. Chính vì vậy, hãy có sự đầu tư và tìm hiểu về lĩnh vực mà bạn đang làm, biết đâu bạn lại tìm thấy sự thú vị trong đó thì sao!” – Đây cũng chính là lời giải đáp của thầy cho việc nhanh chóng “cả thèm chóng chán” mà một số bạn Freelancer dê gặp phải.
Đồng thời, Bách cũng bày tỏ sự biết ơn sâu sắc vì những lời khuyên của thầy vô cùng phù hợp cho những định hướng cá nhân sắp tới, Bách hy vọng nhiều Zoom Talk mang tính định hướng và chia sẻ sẽ tiếp tục được diễn ra.
Đáp lại lo lắng của Phúc, thầy với kinh nghiệm cũng đã từng làm việc tại TPHCM đã động viên rằng “Sài Gòn là vùng đất trù phú, cũng có rất nhiều cơ hội với sự phát triển vượt bậc, hơn nữa ở đây luôn luôn có nguồn cung ổn, môi trường cũng rất tốt, chính vì vậy Phúc đừng nên lo lắng quá, việc bạn cần là hãy trở nên nhạy bén và học cách thích nghi, đáp ứng được nhu cầu của thị trường mà thôi”.
Nhận được lời động viên của Thầy, Phúc đã gửi lời cảm ơn đến thầy, đồng thời cũng “cảm thấy tự tin hơn cũng như quyết đoán hơn vào tương lai của mình” – Phúc chia sẻ.
Bên cạnh đó thầy cũng bật mí các tip làm sao để có thể nhận được công việc “giá cao”, đó chính là “hãy học sâu rồi mới học rộng và chỉ vẽ rồng đừng vẽ giun”. Bạn hãy thật giỏi một lĩnh vực nào đó, chất lượng sản phẩm của bạn thật sự vượt trội so với người khác và đem lại hiệu quả tốt, từ đó những công việc chất lượng sẽ đến với bạn. Và nên nhớ, “kèo thơm” hay giá rẻ và chất lượng cao sẽ không đi đôi với nhau, vì vậy hãy nâng cao bản thân để có thể có được một giá trị tương xứng.
Cuối Zoom Talk, lời khuyên của thầy Hùng là tất cả mọi người hãy luôn không ngừng học hỏi để tiếp thu kiến thức mới, nâng cấp “level” bản thân. Đây cũng là một phần trả lời cho câu hỏi liệu “đang làm Content có nên học Design không?”. Câu trả lời có hay không thì phụ thuộc vào bạn, tuy nhiên lời khuyên của thầy là “hãy cứ học thêm để nâng cao kiến thức của bản thân. Ví dụ như với Content, bạn có thể học Truyền thông Thị giác (Visual Communication), storytelling để có thể làm tốt hơn công việc của mình. Bởi vì, nếu người làm Content không hiểu về hình ảnh thì có thể “rất khổ” trong việc truyền đạt ý tưởng, ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất tiếp theo, làm mất uy tín của mình”. Vì vậy, học thêm nhiều kiến thức liên ngành chưa bao giờ là vô ích.
Lộc Toàn