30 tuổi, đang làm Video Creator với nhiều năm kinh nghiệm, anh Đỗ Duy vẫn chọn bắt đầu lại với ngành học thiết kế sáng tạo. Và FPT Arena Multimedia (FAN) là nơi anh dành trọn hai năm miệt mài với deadline kép: vừa là đồ án, vừa là công việc. Hành trình ấy không dễ dàng, nhưng cũng chính là lúc anh tìm thấy rõ ràng hơn đam mê mà mình từng bỏ lỡ từ năm 18 tuổi.
Theo đuổi đam mê – dù hơi muộn một chút
Duy từng học ngành Ngôn ngữ Anh, làm việc trong lĩnh vực giảng dạy và tư vấn giáo dục tại một trung tâm Anh ngữ. Tuy nhiên, niềm yêu thích thiết kế luôn âm ỉ từ những năm đầu tuổi trưởng thành. Không có định hướng rõ ràng, không đủ điều kiện tài chính để theo học chuyên ngành thiết kế từ sớm, anh Duy gác lại đam mê để đi con đường an toàn hơn.

Đến năm 2020, giữa biến động của đại dịch, Duy bắt đầu “đi vòng lại” với sở thích năm xưa. Anh xin thực tập tại một công ty game start-up, bén duyên với công việc làm video, rồi dần dần tự học thêm về thiết kế. Trải qua gần 5 năm gắn bó, anh nhận ra bản thân muốn đi xa hơn và cần một môi trường học bài bản để nâng tầm kỹ năng. Vậy là Duy quyết định trở thành sinh viên của FPT Arena Multimedia.
“Trong vô vàn lựa chọn, mình chọn FAN vì chương trình có lộ trình rõ ràng, thiên về 3D – đúng mảng mình yêu thích. Bằng cấp quốc tế và cách tiếp cận thực tiễn cũng là điều khiến mình yên tâm theo học.”
Khi việc học là một lựa chọn nghiêm túc
Đi học ở tuổi 30, khi anh đã có công việc ổn định là một lựa chọn không dễ dàng. Với anh Đỗ Duy, thử thách lớn nhất chính là việc cân bằng mọi thứ. Công việc thiết kế vốn đã nhiều deadline, cộng thêm lịch học buổi tối khiến mỗi ngày trôi qua đều là những giờ phút chạy đua. Có hôm vừa tan ca là anh lao vào lớp học, có hôm thức trắng đêm để hoàn thành đồ án. Áp lực đè nặng cả ở công ty lẫn giảng đường, thậm chí có người còn nghi ngờ lựa chọn của anh, nhưng anh vẫn kiên định: “Thành thật là mình không có bí quyết gì cả. Đầu mỗi kỳ luôn sắp xếp rất ổn, nhưng khi bài vở tăng lên thì lại… tùy cơ ứng biến. Có hôm học đến 4–5 giờ sáng, hôm sau vẫn phải đi làm như thường.”
Dù vậy, chính những ngày tháng chật vật ấy lại giúp anh hiểu rõ hơn mình thực sự yêu thích điều gì. Nếu trước đây còn mơ hồ với khái niệm “thiết kế”, thì càng về sau, anh càng chắc chắn mình muốn phát triển chuyên sâu mảng 3D Animation, một hướng đi giàu tiềm năng và rất cần sự bền bỉ.
Trong suốt hành trình học tập, anh luôn biết ơn các giảng viên tại FPT Arena Multimedia – đặc biệt là thầy Trần Chí Cường, người đồng hành cùng anh suốt hai học kỳ: “Thầy luôn thúc đẩy và tin tưởng tụi mình có thể làm tốt hơn nữa. Có khi mệt quá muốn bỏ cuộc, thì chính sự động viên của thầy giúp mình tiếp tục.”
Anh cũng nhớ mãi phong cách “dằn mặt nhẹ nhàng” của thầy bằng cách cập nhật học phí học lại, như một lời nhắc nhở sinh viên phải tỉnh táo và nỗ lực nghiêm túc. Khi được hỏi kỳ học nào đáng nhớ nhất, anh trả lời ngay: kỳ 3. Đó là kỳ anh đạt điểm số cao nhất và cũng là thời điểm anh cảm thấy tự tin hơn cả về khả năng của mình.
Being Neoform – Dáng hình tương lai
Với sự bền bỉ, tinh thần cầu tiến và lòng tin vào đam mê sáng tạo, anh Đỗ Duy đã tự định hình nên một phiên bản trưởng thành và vững vàng hơn của chính mình. Tốt nghiệp không chỉ là cái đích, mà còn là một điểm bắt đầu mới – nơi anh tiếp tục theo đuổi chuyên môn 3D chuyển động với tâm thế học hỏi không ngừng.
“Không có việc gì khó, chỉ sợ mình không làm đủ nhiều lần.” – Câu nói giản dị nhưng đầy sức nặng ấy không chỉ là châm ngôn học tập của Duy, mà còn là nguồn cảm hứng cho bất kỳ ai đang lăn tăn với lựa chọn học lại, bắt đầu lại, dù ở độ tuổi nào.
Bằng câu chuyện của mình, anh Đỗ Duy đã chứng minh rằng: Tương lai không nằm ở việc bắt đầu sớm hay muộn, mà nằm ở sự dấn thân nghiêm túc và tinh thần không ngừng tiến về phía trước.
Cùng FPT Arena Multimedia lắng nghe những chia sẻ của anh tại Lễ tốt nghiệp 2025 nhé!