Từ mong muốn tạo dựng một cộng đồng sống lành mạnh và ăn chay đúng cách, nhóm sinh viên năm hai đã phát triển “Là Chay” – một ứng dụng điện thoại với đầy đủ tính năng từ gợi ý món ăn, chế độ dinh dưỡng, đến chia sẻ địa điểm quán chay uy tín. Không chỉ là một bài tập học kỳ, sản phẩm còn mang trong mình khát vọng hiện thực hóa một lối sống tích cực bằng công nghệ.
Khởi nguồn từ sự thấu cảm và thói quen sống xanh
“Là Chay” là đồ án học kỳ 2 của nhóm sinh viên ngành Thiết kế gồm năm thành viên, do bạn Trần Đức Lâm làm trưởng nhóm. Dự án được triển khai trong khuôn khổ môn học Project và nhanh chóng gây ấn tượng bởi mức độ hoàn thiện cùng tư duy tiếp cận gần gũi, thực tiễn.
Ý tưởng bắt nguồn từ chính trải nghiệm cá nhân của các thành viên trong nhóm – khi có người đã ăn chay trường, người thì ăn chay theo thời điểm, và tất cả đều có chung mong muốn thúc đẩy lối sống lành mạnh, bền vững. Nhận thấy chưa có ứng dụng nào chuyên biệt hỗ trợ người ăn chay một cách toàn diện và thân thiện, nhóm quyết định phát triển “Là Chay” – ứng dụng đầu tiên dành riêng cho cộng đồng ăn chay tại Việt Nam.
Nhen nhóm ý tưởng từ góc nhìn rất “đời”
Ngay từ những buổi học đầu tiên, nhóm đã thống nhất hướng đi, chia đầu việc và triển khai theo đúng tiến độ. Không chỉ giới hạn trong phạm vi trường lớp, nhóm còn tiến hành khảo sát thực tế, phỏng vấn nhiều đối tượng – từ người trẻ đến người lớn tuổi – để có cái nhìn khách quan và đầy đủ hơn về thói quen ăn chay tại Việt Nam.
Một trong những thử thách lớn nhất là việc tiếp cận người ăn chay trường – nhóm khách hàng mục tiêu không phổ biến trong sinh viên. Tuy vậy, bằng sự kiên trì và nghiêm túc, nhóm đã phỏng vấn được đến 419 người – con số ấn tượng hiếm thấy trong các dự án sinh viên. Không dừng lại ở ứng dụng di động, nhóm còn đầu tư thiết kế landing page, video quảng bá, poster và slide thuyết trình – thể hiện sự chỉn chu và tư duy truyền thông bài bản.
Sự đặc biệt tạo nên một chiếc ứng dụng “Là Chay” tối ưu
“Là Chay” không đơn thuần là một ứng dụng tra cứu công thức nấu ăn. Ứng dụng tích hợp nhiều tính năng như gợi ý thực đơn chay theo ngày hoặc tuần, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; danh sách các quán chay uy tín được đánh giá từ cộng đồng; chế độ tự tạo thực đơn theo khẩu vị cá nhân hoặc mục tiêu dinh dưỡng; không gian cộng đồng nơi người dùng có thể chia sẻ kinh nghiệm, hình ảnh món ăn, review quán chay và truyền cảm hứng sống xanh. Những tính năng này đều được nhóm thiết kế trực quan, dễ sử dụng, hướng đến trải nghiệm thân thiện và hiện đại.
Trong buổi bảo vệ đồ án, nhóm nhận được nhiều lời khen từ hội đồng giám khảo, với điểm trung bình đạt 99 trên 100 điểm – gần như tuyệt đối. Điều đặc biệt là hội đồng đánh giá sản phẩm không chỉ ở mức “đạt yêu cầu học thuật”, mà có thể tiếp tục phát triển để ứng dụng thực tế trên thị trường.
Giảng viên hướng dẫn, thầy Đỗ Ngọc Thắng, bày tỏ sự tự hào và cho biết ông đã “khắt khe hơn bình thường” vì nhận thấy tiềm năng phát triển thực sự trong nhóm. Một điểm trừ nhẹ được thầy nhắc đến là nhóm quá cầu toàn, dẫn đến việc phải làm lại nhiều lần, đôi khi khiến các thành viên áp lực. Dù vậy, điều đó càng cho thấy tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm của nhóm, đặc biệt là thành viên Nguyễn Minh Hồng – người được nhận xét là “người kết nối, luôn chỉn chu và tận tâm với từng chi tiết”.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình làm đồ án là việc các thành viên quyết định ăn chay trong một khoảng thời gian để thực sự đồng cảm với người dùng mục tiêu. Trải nghiệm này giúp họ thấu hiểu hơn về những bất tiện, băn khoăn cũng như niềm vui mà người ăn chay có thể gặp phải. Sau những tháng ngày “thanh tịnh”, nhóm đã cùng nhau thưởng thức… gà rán như một cách ăn mừng dí dỏm cho hành trình đã qua.
Bài học từ một đồ án “giống sản phẩm thật”
Không chỉ học được cách xây dựng sản phẩm từ A đến Z – từ phát triển ý tưởng, khảo sát thị trường, chia việc, thiết kế giao diện đến truyền thông – nhóm còn rút ra được bài học lớn về tinh thần làm việc nhóm, sự lắng nghe và hỗ trợ lẫn nhau. Theo chia sẻ của nhóm: “Chúng mình rất vui vì đã vượt qua thử thách lớn mà ban đầu tưởng như không thể. Mỗi người đều phát huy thế mạnh riêng và cùng nhau tạo nên một sản phẩm mà cả nhóm có thể tự hào. Việc vừa đi học, vừa làm đồ án, vừa đi làm thêm khiến ai cũng tất bật, nhưng đổi lại là một trải nghiệm không thể nào quên.”
“Là Chay” là minh chứng rõ ràng cho thấy sinh viên có thể tạo ra sản phẩm thực sự giá trị nếu được định hướng đúng và đầu tư nghiêm túc. Dù chỉ là một đồ án học kỳ, nhưng “Là Chay” hội tụ đầy đủ tiềm năng để trở thành một ứng dụng hữu ích trong cộng đồng, góp phần lan tỏa lối sống tích cực và hướng thiện.
Không chỉ dừng lại ở việc học, các bạn trẻ còn đang xây nền móng cho những sản phẩm công nghệ mang tính nhân văn – và đó chính là tinh thần đáng quý nhất trong giáo dục sáng tạo hôm nay.
Cùng xem qua video giới thiệu chiếc ứng dụng tâm huyết này của sinh viên nhà FPT Arena Multimedia nhé: