“Speech is a mirror of the soul” – lời nói không chỉ là công cụ giao tiếp bằng ngôn ngữ mà còn là một trong những phương diện quan trọng để phản ánh và đánh giá một cá nhân. Vì vậy, FPT Arena (FAN) Hà Nội đã kết hợp với Học viện Chiến lược Nhân sự HSM tổ chức Giờ học doanh nghiệp: Kỹ năng giao tiếp, cung cấp những kiến thức và kinh nghiệm về nghệ thuật giao tiếp vô cùng bổ ích và thiết thực dành cho sinh viên song song với việc học kiến thức chuyên môn.
Giảng viên phụ trách lớp là thầy Đỗ Thành Công – Trưởng phòng Đào tạo & Phát triển – Học viện chiến lược nhân sự HSM. Bên cạnh đó, anh cũng đã có 4 năm kinh nghiệm trong ngành Quản Trị Nhân Sự. Với những kinh nghiệm vô cùng phong phú về chuyên môn cũng như kỹ năng mềm, thầy đã thực sự đem tới giờ học những kiến thức vô cùng thiết thực và hữu ích, giúp các bạn có thể áp dụng một cách dễ dàng vào trong cuộc sống cũng như các hoạt động thực hành khác.
Dù chỉ kéo dài trong khoảng 4 giờ đồng hồ và diễn ra trên nền tảng trực tuyến Zoom, nhưng những kiến thức thiết thực về kỹ năng giao tiếp đã được thầy Công truyền tải tới các bạn sinh viên lớp A2.2010M và A2.2010M1 một cách cụ thể để cải thiện phần nào kỹ năng giao tiếp của mình.
Thông điệp là ổ khóa – Cách thức tiếp nhận là chìa khóa
Thông điệp trong giao tiếp là vô cùng quan trọng, giao tiếp mà không có thông điệp cũng giống như ta đang tự nói một mình vậy, người nghe không hiểu bạn và bạn cũng không hiểu người khác. Trong giao tiếp, không có thông điệp đúng sai, chỉ có cách thức tiếp nhận của bạn với thông điệp khi người nói muốn truyền đạt tới có “khớp” với nhau hay không. Giống như một chiếc chìa khóa tra đúng vào ổ vậy, khi bạn tìm đúng chìa khóa, bạn sẽ mở được ổ khóa, cũng giống như bạn hiểu “đúng ý” thông điệp mà người nói muốn truyền tải và ngược lại.
Tuy nhiên, không phải cuộc hội thoại hay tiến trình giao tiếp nào cũng diễn ra suôn sẻ. Đôi khi, bạn sẽ bị nhiễu bởi yếu tố đến từ xung quanh, thậm chí đến từ bản thân nhân tố trong đó: Tiếng xe cộ đi lại khiến bạn không nghe rõ lời người đối diện, thái độ của người khác khiến tâm lí vốn dĩ nhạy cảm của bạn mất tập trung, địa vị chênh lệch làm bạn không thoải mái, bạn hiểu nhầm thông điệp đến từ hành vi và lời nói của đối phương… Rất nhiều yếu tố “nhiễu” ảnh hưởng đến việc giao tiếp, việc bạn cần là hãy giữ tâm lý thoải mái để hiểu đúng “thông điệp” của cuộc hội thoại.
5T – Những yếu tố “cần” cho một người giao tiếp chuẩn mực
Xoay quanh nội dung của buổi học, thầy Công không chỉ chia sẻ kiến thức, bày tỏ những kinh nghiệm thực tế của bản thân trong việc giao tiếp mà thậm chí còn “thị phạm” ngay trong giờ học để các bạn thấy được thế nào là giao tiếp chuẩn mực nhất, hiểu được một cách rõ ràng và chân thực tầm quan trọng của cách thức và kỹ năng giao tiếp. Đồng thời, liên tục trao đổi với các bạn để hiểu rõ nhất khó khăn mà các bạn đang gặp phải, từ đó có hướng giải quyết phù hợp nhất.
Thầy nhấn mạnh, 5T chính là 5 yếu tố cần cho người giao tiếp chuẩn mực: Tin cậy, trách nhiệm, tập trung, tôn trọng, tương tác. Tin cậy và trách nhiệm là “hai chân” – chính là cơ sở và nền tảng vững chắc cho giao tiếp; tập trung và tôn trọng – những “cánh tay” đắc lực giúp giao tiếp đạt hiệu quả cao; tôn trọng là “cốt lõi”, quyết định liệu bạn có thể giao tiếp với người khác trong bao lâu, thái độ giao tiếp như thế nào…
Đồng thời, khi giao tiếp cần có tư duy đúng đắn và chú trọng vào đối phương, hãy biết trân trọng và nhìn vào những ưu điểm của người khác, bởi mỗi người luôn có giá trị riêng của họ, đừng nên phán xét hay đánh giá một cá nhân quá vội vàng khi chưa hiểu biết về họ mà chỉ nhìn qua về bề ngoài. Khi hội tụ đủ các yếu tố này, giao tiếp sẽ có thể đạt đến hiệu quả và chất lượng như mong muốn.
LACE – lắng nghe chủ động: Những yếu tố “đủ” cho một tiến trình giao tiếp chất lượng
Trong dân gian, ông bà ta có câu: “Người nói phải có người nghe” cũng như bản chất của giao tiếp chính là trao đổi thông tin giữa người với người – nghe tiếp nhận thông điệp và phản ứng lại. Nếu như nói mà không có người lắng nghe, đồng nghĩa với việc bạn đang tự độc thoại/ độc thoại nội tâm, bởi không ai tiếp nhận thông tin của bạn, đồng nghĩa với việc không ai hiểu thông điệp bạn đang muốn truyền tải là gì.
Đồng thời, thông qua kỹ năng lắng nghe có thể phản ánh được thái độ của người nghe đối với quá trình giao tiếp: Hời hợt – không hứng thú với cuộc hội thoại, chăm chú quan sát và lắng nghe – dấu hiệu của một cuộc giao tiếp thú vị… Chính vì vậy, lắng nghe cũng là một kỹ năng quan trọng trong tiến trình giao tiếp.
Biểu đạt đủ những yếu tố của việc lắng nghe chủ động giúp thể hiện phản ứng và thái độ của bạn với thông tin mà người nói muốn truyền tải, đồng thời cả chất lượng của cuộc giao tiếp. Hãy áp dụng đúng cách để trở thành một người lắng nghe – người giao tiếp hiệu quả.
Email – Phương thức trao đổi thông tin văn minh
Đôi khi giao tiếp không chỉ là trao đổi thông tin giữa người với người thông qua những cuộc nói chuyện, các hành vi lời nói và cử chỉ trực tiếp, mà đôi khi còn là gián tiếp thông qua các phương tiện trung gian (mạng internet, các ứng dụng, các phương tiện social media…) để truyền, gửi, phản hồi thông tin, hình ảnh, văn bản, tài liệu…Trong đó Email là một trong những phương thức trao đổi thông tin phổ biến nhất thường được dùng trong công việc.
Hiểu được tầm quan trọng của việc giao tiếp qua Email, thầy Công đã chia sẻ những yếu tố và nguyên nhân gây bất lợi khi sử dụng Email không đúng cách, điều này gây ra chất lượng trao đổi thông tin không hiệu quả, từ đó nêu ra hướng khắc phục để đem lại chất lượng trao đổi tốt nhất.
Bên cạnh việc cung cấp lý thuyết, thầy cũng tiến hành yêu cầu các bạn thực hành để trực tiếp sửa lỗi và đưa ra lời khuyên góp ý. Những điều này giúp các FANer không còn bị động, nhàm chán trong cách tiếp thu kiến thức, mà trái lại còn khiến cho các bạn trở nên hứng thú và vui vẻ, tiếp thu kiến thức tốt hơn, đặc biệt giúp các bạn không gặp bỡ ngỡ khi “thực tế hóa” kiến thức vào thực tiễn.
Chắc hẳn sau 4 giờ học hành chăm chỉ, các bạn sinh viên lớp A2.2010M & A2.2010M1 đã biết thêm những kiến thức về kỹ năng Giao tiếp, biết thế nào là chân dung một người giao tiếp hiệu quả, học cách để trở thành một người tinh tế, lịch thiệp trong giao tiếp, biết cách lắng nghe và phản ứng lại người khác trong cuộc hội thoại hay cách viết email chuyên nghiệp đúng chuẩn thanh lịch. Đồng thời, hy vọng qua bài học này các bạn đã tự đúc rút cho bản thân mình những “tip” để giao tiếp phù hợp. Hãy áp dụng những điều đã học một cách có hiệu quả vào công việc và cuộc sống nhé.
Trong tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp, các giờ học doanh nghiệp chỉ có thể diễn ra trực tuyến nhưng chắc chắn điều đó cũng không thể ngăn cản tinh thần học tập, mong muốn phát triển năng lực bản thân đối với mỗi bạn sinh viên. Hãy cố gắng tiếp thu kiến thức để nâng cao bản thân nhé!
Lộc Toàn