Trở lại với “Nói nhỏ, nói to – Nhỏ to cùng chia sẻ” số 12, FPT Arena (FAN) lên sóng với chủ đề “Sức mạnh multimedia” vào 19h30 ngày 15/9. Không ở khung giờ vàng, lại trong một buổi tối cuối tuần, điều gì tại buổi talkshow thu hút hơn 1300 bạn trẻ cùng tham dự?
Đó có phải sự nổi tiếng của 4 vị khách mời? Người dẫn chuyện Alex Cao – Creative director 9Blocks, Giám đốc FPT Arena Multimedia Hà Nội Nguyễn Phương Anh, “ngọn gió đầu” mang Visual Art đến với công chúng Việt Tùng Monkey và bộ óc sáng tạo làm nên 1900 – không gian giải trí, văn hóa, nghệ thuật nổi tiếng cả khu vực Đông Nam Á Tia Liêu. Sức hút của họ không cần bàn cãi. Cuộc hội ngộ và những câu chuyện ngành giữa những người trong nghề hấp dẫn đến thế nào? Nếu bạn lười đọc thì xin dừng lại, bởi dưới đây là kho tri thức, trải nghiệm được tích lũy đến cả một thập kỷ lần đầu được các chuyên gia chia sẻ.
Multimedia – minh chứng khi những điều bình thường “góp gió” nên phi thường
Người dẫn chuyện Alex Cao đã mở đầu câu chuyện bằng một thử thách nho nhỏ dành cho ba khách mời còn lại, định nghĩa multimedia từ góc độ dính líu của mỗi người. Với Tùng Monkey, “multimedia là sự kết hợp của nhiều loại hình truyền thông, thiết kế, công nghệ, những media vào với nhau thành một sản phẩm”. Với Tia Liêu, “multimedia là hình thức tác động lên multisensory – đa giác quan, là cách thêm chiều sâu vào câu chuyện mình muốn truyền tải qua sự kết hợp đa hình thức audio, text, hình ảnh, video, visual…”
Ở góc nhìn của người làm giáo dục, chị Nguyễn Phương Anh đã phân tích multimedia theo chiều dài lịch sử. Quay lại những năm 1990, khi internet bắt đầu ra đời, ta thấy đó là điều tuyệt diệu khi khoảng cách kết nối chúng ta gần hơn, việc lấy thông tin cũng dễ dàng. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của xã hội, của công nghệ, nhu cầu của chúng ta không chỉ dừng lại ở thu thập thông tin mà còn phải gây ấn tượng, cảm xúc để giữ chân khán giả – và như thế multimedia đã ra đời.
Vậy multimedia xa lạ hay gần gũi? Từ những em bé 8-10 tuổi, như con Tia Liêu đã phải sử dụng presentation, keynote để làm bài tập đến các bạn học sinh, sinh viên phải tiếp cận học thuật qua đa kênh đến những nền tảng mạng xã hội chúng ta đang sử dụng hàng ngày như facebook, tiktok… Đó chẳng phải là multimedia hay sao?
Anh Alex Cao đã đưa ra một nhận định thú vị: “Multimedia, đừng nghĩ nó là cái gì đó quá xa vời. Chính thực, nó đang ở ngay bên cạnh chúng ta. Từ khi ta nhấc chiếc smartphone lên, record lại, mix cùng âm nhạc và đưa nền tảng phù hợp, đó chính là multimedia rồi. Mọi thứ xung quanh ta đều được thiết kế và multimedia bình thường như hơi thở vậy.”
“Ngày nay, các bạn trẻ chẳng cần biết sử dụng phần mềm design chuyên nghiệp cũng có thể thiết kế được. Có rất nhiều phần mềm thiết kế miễn phí như canva, designbold với những template sẵn có để dễ dàng sản xuất ra các sản phẩm multimedia. Thế nên, multimedia, cho là xa lạ sẽ là xa lạ, cho là gần gũi sẽ là gần gũi.”– Chị Phương Anh chia sẻ. Thật vậy, mọi thứ xung quanh ta đều được thiết kế! Multimedia, gần gũi như hơi thở, như đánh răng rửa mặt hàng ngày.
Nhìn lại chặng đường thuật ngữ multimedia đến với người Việt, đó là dấu mốc năm 2004, Tập đoàn FPT mang chương trình Arena Multimedia lần đầu tiên vào Việt Nam. FPT đã mạnh dạn thêm từ “mỹ thuật” trước “đa phương tiện” như nghĩa gốc của multimedia để nhấn mạnh thẩm mỹ là yếu tố tiên quyết. Và từ đó trở đi, mỹ thuật đa phương tiện được các học giả xác lập, ngầm định là chương trình đào tạo multimedia – các phương tiện truyền thông. Đó cũng là niềm tự hào của FPT Arena khi đặt dấu chấm đầu tiên vào từ điển về ngành multimedia tại Việt Nam.
Multimedia lan tỏa đa chiều đến mọi khía cạnh trong cuộc sống, rồi lại đón nhận đa chiều để làm nên đa phương tiện.
Ở buổi giao lưu chia sẻ này, bên cạnh bàn luận về chuyên môn, các diễn giả còn mang đến những câu chuyện đời, chuyện nghề thú vị. Chuyện bước chuyển của Tùng Monkey từ illustrator, graphic designer đến entertainer – người mang đến niềm vui, thỏa mãn thị giác cho cộng đồng. Chia sẻ về hành trình đó, Tùng Monkey cho rằng FPT Arena chính là bệ phóng vững chắc cho mình với những kiến thức căn bản về multimedia và đặc biệt là tinh thần “Just do it – Cứ làm đi!”. Với đam mê sáng tạo, thể nghiệm sẵn trong máu hòa cùng dòng chảy công nghệ phát triển từng ngày, Tùng miệt mài chinh chiến trong nhiều lĩnh vực minh họa tranh, quảng cáo, marketing rồi chạm ngõ với nghệ thuật thị giác tương tác, trở thành gương mặt sáng giá nhất Việt Nam trong lĩnh vực VJing (visual jockey).
Chuyện của Tia Liêu lại là một case study làm nhiều người ngỡ ngàng, ngơ ngác khi từ bỏ vị trí giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân để dấn thân vào ngành nightlife. Vượt qua những rào cản, định kiến xã hội để theo đuổi đam mê, Tia Liêu đã góp phần xây dựng nên 1900 Le Théâtre, hơn cả một không gian giải trí, là biểu tượng cho tinh thần sống hiện đại và văn minh. Bằng multimedia, Tia Liêu đã đem đến các giá trị văn hóa của nhà hát Quảng Lạc xưa với một góc nhìn hiện đại hơn, biến Nghìn Chín không chỉ là một địa điểm “dẩy đầm” được yêu thích của giới trẻ Vịnh Bắc Bộ mà đã trở thành “tụ điểm” văn hoá nghệ thuật của cả nước với hàng loạt các chương trình DJ, ca sĩ trong và ngoài nước, hòa nhạc, sân khấu kịch và hội thảo.
Hai câu chuyện của Tùng Monkey và Tia Liêu là minh chứng rõ rệt nhất cho việc multimedia đã tiếp thu và lan tỏa ra mọi khía cạnh của cuộc sống làm nên sức mạnh đa chiều. Bản thân bốn diễn giả đồng hành cùng buổi talkshow ngày hôm nay cũng là những biểu hiện của sự đa chiều: người làm trong ngành giáo dục, người làm sáng tạo, người làm trong ngành nightlife.
Multimedia – kết nối nghệ sĩ với nghệ sĩ, nghệ sĩ với công chúng, kết nối nhiều lĩnh vực để tối đa chinh phục
Một lần nữa những người tham dự chương trình lại được thốt lên “ờ mây zing” khi chiêm ngưỡng sản phẩm nghệ thuật mãn nhãn là màn trình diễn “Thể xác và linh hồn” (Body and sound) – một tác phẩm của âm nhạc ANNAM Label kết hợp cùng nghệ sĩ múa Nguyễn Duy Thành và VJ Tùng Monkey. Tùng chia sẻ: “Multimedia đã cho mình cơ hội để kết hợp nhiều tài năng trong một project và đó chính là xu thế”. Vũ đạo của Thành Buddha, kết hợp cùng âm nhạc, sân khấu, visual art của Tùng Monkey khiến người xem cảm thấy như trở thành một phần của tác phẩm
Với Tia, điều đáng nhớ với chị – một nightlife enthusiast chính hiệu trong đợt dịch covid này là sự chuyển mình của các festival, tiêu biểu là Tomorrowland – Lễ hội âm nhạc điện tử lớn nhất và nổi tiếng nhất thế giới được tổ chức thường niên. Năm 2020, thay vì book vé, lên đồ đi “quẩy” thì khán giả vẫn được mãn nhãn thưởng thức, “chill” cùng âm nhạc qua công nghệ AR. Đằng sau những xúc cảm của khán giả được đẩy lên tột độ là sự kết hợp của rất nhiều ngành nghề. Để làm nên thành công của một tác phẩm, không thể chỉ bởi một phần mềm mà cần rất nhiều công nghệ.
Multimedia – thích nghi để viết tiếp câu chuyện bền vững
Những chia sẻ của Tia về Tomorrowland 2020 lại dẫn các diễn giả sang một câu chuyện khác, sức mạnh thích nghi của multimedia. Theo Global web index – một đơn vị nghiên cứu thị trường đã đưa ra con số từ tháng 8/2020 43 % người tiêu dùng đã sử dụng mạng xã hội dài hơn thời gian trước đây. Một khảo sát khác của American Life Panel cũng cho thấy 25% số người mua sắm thiết bị giải trí nhiều hơn năm vừa rồi. Covid đã làm thay đổi hành vi và thói quen của con người không thể tách rời khỏi công nghệ. Trong thời gian giãn cách xã hội này, trẻ em phải học online, người lớn phải “work from home” thì công nghệ chính là sợi dây kết nối để cuộc sống tiếp tục diễn ra trong “bình thường mới”. Với sự phát triển của công nghệ multimedia cũng phải thích nghi theo.
Cũng theo một khảo sát FPT Arena đã thực hiện trên 12 trang mạng xã hội của cộng đồng thiết kế, đến 70% người tham gia bình chọn designer là một trong những nghề hiếm hoi vẫn sống ổn mùa dịch.
Trong quá trình xây dựng chương trình, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều câu hỏi của những người quan tâm đến ngành công nghiệp sáng tạo về tương lai của multimedia trong 5 năm thậm chí 20 năm, 30 năm nữa? Phải làm gì để thích nghi với những biến đổi của thị trường, của thế giới. Tùng Monkey đã có một câu nói rất hay: “Nếu mình chỉ biết ăn bằng thìa thì không có thìa sẽ chẳng biết ăn bằng gì. Nhưng nếu mình biết ăn bằng dao, dĩa, bằng tay thì mình sẽ không bao giờ bị đói. Trong bối cảnh thế giới biến động nếu bạn có nhiều công cụ, nhiều khả năng làm việc, kiếm tiền, tạo nội dung thì bạn sẽ luôn là người chủ động nắm bắt và tạo cơ hội cho chính mình”.
Ở góc độ của người làm giáo dục, chị Phương Anh đã giải đáp thắc mắc, băn khoăn của nhiều bạn trẻ về chỗ đứng của designer khi những phần mềm như Canva, những công nghệ tiên tiến như AR, VR liên tục ra đời. Vẫn là bài học về tư duy thiết kế – những điều công cụ không thể nào thay thế. Nhà thiết kế sẽ không mất đi, mà phát triển là một con người mới, ở một tầm cao mới. Và trường học cũng như vậy, không bao giờ bị xóa bỏ mà chỉ biến đổi từ hình thức này sang hình thức khác, tối đa hóa công nghệ để hỗ trợ người học người dùng. Với nền tảng Tập đoàn công nghệ hàng đầu. FPT Arena đã và luôn sẵn sàng đồng hành cùng sinh viên trong bối cảnh đó.
Người dẫn chuyện Alex Cao để kết lại cuộc luận bàn về sức mạnh multimedia, về những hồ nghi về ngành trong tương lai như sau: “Hãy để nó là bí ẩn. Chúng ta phải tò mò, thông qua các giấc mơ để chạm tới những điều tưởng chừng như không tưởng. Quan trọng dám dấn thân, dám trải nghiệm, dám ước mơ thì bạn sẽ làm được thôi”.
Kết
Yêu mến, ngưỡng mộ và những lời cảm ơn chân thành là những điều người tham gia sự kiện muốn gửi gắm đến các diễn giả và Trạm sáng tạo FAN. Mạnh tâm sự với Ban tổ chức:”Em cảm ơn anh chị rất nhiều đã dành thời gian chia sẻ và tạo nên buổi talkshow này, buổi talkshow giúp e mở rộng cách nhìn hơn về từ “ Multimedia”. Nick name Christopher Harris để lại lời nhận xét trong khảo sát sau sự kiện: “Mình rất hài lòng về chương trình tổ chức rất chuyên nghiệp trong mùa dịch này. Điều đó sẽ tạo ra những cái insights hay ho dành cho các bạn sinh viên mới vào ngành để có thể trau dồi thêm kiến thức để sau dịch bắt tay làm việc liền”. Và rất nhiều lời nhắn nhủ như bạn Nguyễn Ngọc Tuyết Vân: “Em cảm ơn các anh chị đã chia sẻ những điều thú vị và vô cùng hữu ích đối với em ? Chúc anh chị về tất cả!”.
Rất tiếc thời lượng chương trình có hạn nên nhiều bạn không khỏi tiếc nuối khi chưa được giao lưu trực tiếp cùng diễn giả. “Hi vọng phần trả lời câu hỏi từ người xem dài hơn 1 chút nữa để các thắc mắc của mọi người đều được giải đáp” là mong muốn của bạn Thùy Linh cũng như tâm lý chung của nhiều bạn tham gia sự kiện.
Nhưng tựu chung lại, tất cả đều là nguồn động lực để chúng mình tiếp tục chuỗi “Nói nhỏ, nói to” và tạo nên những điều thú vị khác trong thời gian sắp tới. Hãy cập nhật nhiều hơn các thông tin, hoạt động, sự kiện tại website hoặc fanpage FPT Arena Multimedia để không bỏ lỡ những chủ đề thú vị, những kiến thức quý giá sẵn sàng cho những ngày “bình thường mới” trong tương lai gần bạn nhé!
“NÓI NHỎ, NÓI TO” là một chuỗi talkshow chia sẻ, lan tỏa kiến thức, tri thức kiến thức, tri thức về đa lĩnh vực, các kiến thức trong sách vở, trường lớp tới những trải nghiệm thực tế. Mỗi tuần sẽ có khoảng 03 talkshow được diễn ra theo chủ đề khác nhau được tổ chức từ nay đến tháng 11/2021. Với mong muốn ai cũng được tiếp nhận kiến thức & tri thức trong mùa Covid, cùng được trải nghiệm học tập online dù đang ở bất kỳ nơi đâu, Viện đào tạo quốc tế FPT (FAI) cùng các cán bộ, giảng viên, các khách mời, cộng sự và các đối tác tổ chức một chuỗi talkshow với tên gọi NÓI NHỎ, NÓI TO – “Nhỏ – to cùng chia sẻ” để lan tỏa kiến thức, tri thức về nhiều lĩnh vực từ Mỹ thuật Đa phương tiện, Công nghệ thông tin tới Tiếp thị số, các kiến thức trong sách vở, trường lớp tới những trải nghiệm thực tế. Cùng tinh thần Sharing & Giving, dự án NÓI NHỎ, NÓI TO – “Nhỏ – to cùng chia sẻ” có mục tiêu lan tỏa giá trị về cả tri thức lẫn tinh thần tích cực tới 4.500 người & dành cho những ai muốn học hỏi thêm kỹ năng mới, tìm hiểu một lĩnh vực mới hay nâng cấp thêm kiến thức của bản thân để sẵn sàng cho công việc sau khi dịch bệnh đã qua đi. |