Không hạn chế sự sáng tạo của bản thân trong khuôn khổ của những tài nguyên thiết kế có sẵn, nhóm sinh viên lớp A3.2110M đang học tại FPT Arena Multimedia Hà Nội đã dám bước ra khỏi vùng an toàn khi quyết định tự vẽ typo 100% để làm mới câu chuyện cổ tích “Cậu bé chăn cừu” bằng sự độc đáo, mới lạ.
Dám nghĩ dám làm
Bên cạnh đó, nhóm còn được khen về sự nhiệt huyết khi tự tìm hiểu phần digital painting chỉ trong vòng hai tháng để đem đến một sản phẩm hoàn chỉnh.
Chia sẻ về quá trình lên ý tưởng, làm đồ án, Tâm cho biết các thành viên đều hòa đồng và có sự phân chia rõ ràng, phối hợp ăn ý với nhau để cho ra một tổng thể bài thống nhất phù hợp tiêu chí.
Đối với đồ án lần này, Tâm đảm nhiệm vị trí Artist chính của nhóm và 2 thành viên còn lại đảm nhiệm phần logo. Nhóm Tâm cũng đã thống nhất rằng mỗi thành viên sẽ phải đưa ra tối thiểu là 5 phương án bao gồm cả phương án màu. Trong khi đó, Tâm cũng sẽ đưa ra các bản phác thảo nhân vật và bối cảnh. Sau đó, cả nhóm sẽ tiến hành chỉnh sửa cho đến khi đưa ra được phương án cuối cùng và hoàn thành các bước tiếp theo dưới sự chỉ dẫn của thầy Vương – giảng viên hướng dẫn của lớp.
“Mỗi người đều có một điểm mạnh và điểm yếu riêng nhưng phần teamwork lại rất tốt, cả nhóm hỗ trợ và giúp đỡ nhau, cũng như học hỏi rất nhiều từ nhau nữa. Làm việc nhóm sẽ không tránh khỏi xích mích nhưng sau khi mọi người ngồi lại bàn bạc với nhau thì mọi người lại vui vẻ với nhau, mọi chuyện vẫn được được tiến hành suôn sẻ” – Tâm chia sẻ.
Đối với cả nhóm Tâm, việc dám bước ra khỏi vùng an toàn, không tuân theo những quy chuẩn chung đã giúp cho nhóm có những trải nghiệm vừa mới mẻ mà cũng không kém phần thử thách, khó khăn: Từ việc nhóm mới chỉ vừa mới biết đến và làm quen với digital painting, các file thiết kế của nhóm khá nặng nên đã bị lỗi file và phải làm lại từ đầu, chỉnh sửa nhiều lần độ dày mỏng của những nét vẽ typo trên wacom… Dù khó khăn nhưng nhóm Tâm không hề bỏ cuộc mà vẫn kiên trì và cố gắng khắc phục.
Động lực để bước ra khỏi vùng an toàn
Tâm cho biết, nguồn động lực lớn nhất để nhóm dám bước ra khỏi vùng an toàn chính là thầy Vương – thầy hướng dẫn của cả nhóm trong đồ án kỳ I. Thầy Vương là người đã định hướng, hướng dẫn nhóm từng bước từng bước để hoàn thành đồ án.
Và Tâm thấy rằng các thầy cô đều có phương pháp giảng dạy vô cùng mới mẻ, khuyến khích sinh viên tư duy sáng tạo và phát triển chất riêng của mình. Bên cạnh đó là sự nhiệt tình và gần gũi của các thầy cô giống như một người bạn, một người đồng hành với chúng mình.
Còn Nam chia sẻ rằng: “Lúc đầu, khi em được biết chủ đề đồ án thấy có vẻ quá sức so với cá nhân em và các thành viên trong nhóm, nhưng từ khi được thầy Vương động viên cũng như lên tinh thần cho cả nhóm thì tất cả đều quyết tâm chơi lớn một lần đi ra khỏi vùng an toàn để thử sức. Các thành viên trong nhóm đều rất quyết tâm cho lần này, khi làm xong đồ án dù chưa được chỉnh chu và còn các lỗi nhỏ nhưng đối với cá nhân em, em cảm thấy rất vui khi đồ án cũng được hoàn thiện”.
Thông điệp thúc đẩy giáo dục trẻ em qua truyện thiếu nhi
Với đồ án lần này, Tâm cùng các thành viên không chỉ mong muốn được làm một thứ gì đó mới mẻ mà còn là thúc đẩy giáo dục trẻ em thông qua truyện thiếu nhi. Việc vẽ và minh họa lại câu chuyện “Cậu bé chăn cừu” chính là để giúp các bé học sinh có thể học tập kết hợp với giải trí, tăng khả năng cảm thụ thẩm mỹ hay học được bài học giá trị qua hình ảnh sẽ dễ hiểu hơn.
Khi được khen về buổi bảo vệ đồ án rất thành công với những phần phản biện bình tĩnh tự tin đầy thuyết phục, cả nhóm thấy rằng đó là những sự thành công ngoài mong đợi.
“Lúc đầu chúng mình rất lo lắng một phần là do đây là buổi bảo vệ đồ án, không biết liệu mình sẽ làm tốt hay là mình sẽ làm hỏng nó. Nhưng sau khi nghe những lời nhận xét của thầy cô thì chúng mình đã lấy lại được tinh thần và trở nên tự tin hơn. Sau buổi bảo vệ đồ án thì chúng mình đã nhận được nhận rất nhiều kinh nghiệm quý giá không chỉ từ các thầy cô mà còn của các nhóm khác trong lớp” – Tâm chia sẻ.
Sau khi nghe trình bày về đồ án từ nhóm, các thầy cô trong Hội đồng chuyên môn có thầy Lê Đức Lợi nhận xét rằng: “Nhìn cách bọn em phân tích từng tiểu tiết không cần thầy Vương giới thiệu anh cũng thấy được tâm huyết của nhóm”. Ngoài ra, cô Minh Hằng có quan điểm “Nhóm chỉ có 3 thành viên nhưng teamwork cực tốt từ cách phản biện có sự tính toán sao cho cả 3 cùng thể hiện được kiến thức đến cách chia công việc”.
“Đừng bao giờ nghĩ đến chuyện im lặng. Hãy dám tự tin thể hiện những suy nghĩ chất riêng của mình. Hãy dũng cảm bước ra khỏi vòng an toàn để trải nghiệm những điều thú vị mới mẻ” – đây cũng chính là những điều mà Tâm cùng các thành viên trong nhóm muốn lan tỏa đến mọi người.
Lộc Toàn