“Thó Bản” – Đồ án xuất sắc lên sóng tại FPT Arena Multimedia qua buổi bảo vệ của tập thể A2.2206E vừa qua là cái tên mang ý nghĩa rằng mỗi tác phẩm tạo ra đều là một bản thể của đất thó, mang tinh hoa, hơi thở của đất và nước vùng Kinh Bắc. Lấy ý tưởng từ hình ảnh bàn tay nghệ nhân làm thủ công từng sản phẩm, Thó Bản cho thấy sự khéo léo và tỉ mỉ công với hình ảnh chú chim thể hiện cho khát vọng phỗng đất sẽ được lưu giữ, lan tỏa và phát triển trong cộng đồng.
Ở giai đoạn thành lập nhóm, trưởng nhóm Thanh Hằng đã đặt ra mục tiêu kết nối những bạn có điểm mạnh riêng để đồ án được hoàn hảo nhất. Mỗi thành viên đều có suy nghĩ và tính cách khác nhau, nhưng chung một mục tiêu là tạo ra một project thật chất lượng, nên trong nhóm hoàn toàn không có xung đột cá nhân, mà tất cả đều hết sức tập trung vào đồ án lần này.
Tại buổi trình bày đồ án, nhóm được thầy Đức Việt dành tặng 2 từ “hoàn hảo” cho phần thuyết trình. Về phần thiết kế, nhóm cũng được thầy Ngọc Thắng nhận xét là độ chỉn chu cao cũng như toàn bộ sản phẩm làm ra đều chuyên nghiệp như sản phẩm của những Designer lâu năm. Mặc dù trên phương diện thực tế, để thật sự “hồi sinh” được cả một nét văn hóa truyền thống là rất khó triển khai nhưng đối với “Thó Bản”, trong khuôn khổ kỳ học, việc trình bày một đồ án thiết kế mà không bị mắc lỗi thiết kế chính là trái ngọt ghi nhận nỗ lực tuyệt vời của các bạn.
“Thó Bản” – Tình yêu văn hóa truyền thống dân gian trong trái tim người trẻ yêu sáng tạo
Có thể nói rằng các đề tài nghiên cứu về các nét đẹp truyền thống, văn hóa dân tộc hay trò chơi dân gian đã không còn xa lạ với tất cả mọi người. Phỗng đất làng Hồ là đồ án nổi bật nhận được nhiều lời khen ngợi từ phía hội đồng phản biện và đón nhận những tình cảm đặc biệt. Nhóm Thó Bản là sự hội tụ hoàn hảo của 5 thành viên hiện đang theo học tại lớp A2.2206E Trường mỹ thuật đa phương tiện FPT Arena do thầy giáo trẻ Lại Minh Vương giảng dạy.
5 mảnh ghép với những thế mạnh khác nhau nhưng lại vô cùng hài hòa khi “Về chung một nhà”. Thanh Hằng vẽ tay minh họa cho slide, bộ thẻ bài và làm hộp đựng thẻ bài trong bộ bàn cờ. Bạn Tuấn phụ trách bộ quy chuẩn logo & thiết kế bìa hộp đựng phỗng truyền thống. Bạn Trường đảm nhiệm bàn cờ. Bạn Thảo vẽ máy toàn bộ pattern của thương hiệu Thó Bản cũng như làm bộ poster, tờ hướng dẫn chơi trong bộ cờ. Bạn Linh thì đảm nhiệm làm lịch treo tường, túi, sổ tay, hộp lục giác đựng hộp trà. Đặc biệt, nhóm phân chia công việc theo kiểu mỗi bạn đều tham gia thực hiện chứ không chia phụ trách theo đầu mục lục. Nên bộ văn phòng nhóm cũng để các bạn tự chọn sản phẩm theo ý thích để đạt được hiệu quả cao nhất.
Trước khi bắt đầu thực hiện đồ án, nhóm đã thống nhất chung về chủ đề của đồ án là làm về văn hóa dân tộc. Khởi đầu, nhóm cùng đưa ra một số chủ đề như áo dài, tò he, múa rối, sự kiện lịch sử, nhà tù,.. “Nhưng sau đó, có một bạn trong nhóm mình là phóng viên (bạn cũng đang là Tiến sĩ ngành báo chí truyền thông), bạn ấy đi quay phóng sự ở Bắc Ninh, tình cờ có chụp ảnh tượng phỗng lại và đăng lên hỏi cả nhóm là “hay là mình làm đồ án về tượng phỗng đất này đi, hiện tại chỉ còn 1 nghệ nhân tại Việt Nam đang duy trì việc làm phỗng này thôi”. Thật ra cả nhóm mình cũng chưa từng có cơ hội tiếp xúc với phỗng đất, nên sau khi được bạn Tuấn giới thiệu về phỗng đất, cả nhóm đều rất hào hứng. Nhóm mình cũng nhận ra tính cấp thiết rằng sản phẩm đang có nguy cơ bị mai một vậy là nhóm quyết định làm đồ án về tượng phỗng đất Bắc Ninh” – Thanh Hằng chia sẻ thú vị về quá trình lên ý tưởng cho đồ án của nhóm.
“Văn hóa” là nguồn cội để phát triển đất nước, và mỗi quốc gia sẽ có một nền văn hóa khác nhau. Tuy nhiên Việt Nam ta có một thiệt thòi lớn, đó là những nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam được ghi lại trong sử sách, đã bị Trung Quốc đốt sạch nhằm tiêu diệt nền văn hóa Đại Việt, trong cuộc chiến tranh Minh – Hồ (1407 – 1427). Nếu nhắc đến văn hóa Thái Lan, mọi người thường nghĩ đến Đạo Phật; Nhật Bản thì mọi người thường nghĩ đến hình tượng Samurai,… Còn Việt Nam mặc dù còn rất nhiều khía cạnh văn hóa chưa được khai thác, nhưng chúng ta cũng chưa thực sự lan tỏa được văn hóa truyền thống dân gian. Điển hình như tượng phỗng đất mà nhóm chọn để làm đồ án lần này, tuy đã có mặt từ rất lâu đời rồi, nhưng tượng phỗng đất lại chưa được nhiều người biết đến. Cho đến khi nhóm mình biết đến phỗng đất thì nét văn hóa này lại đang có nguy cơ bị mai một, khi mà hiện tại ở Việt Nam chỉ còn một nghệ nhân duy nhất còn kiên trì theo đuổi việc làm phỗng” – Một hành trình nghiên cứu vô cùng tâm huyết của nhóm bạn trẻ yêu văn hoá dân tộc. Để đồ án được chân thực nhất, cả nhóm đã tổ chức một chuyến đi thực tế về làng Đông Khê tỉnh Bắc Ninh để tìm hiểu về phỗng đất, may mắn được trò chuyện và giao lưu trực tiếp với nghệ nhân Phùng Đình Giáp – người giữ hồn quê Kinh Bắc. Nhờ đó, nhóm cũng hiểu thêm được nhiều trăn trở của bác về nghề làm phỗng ở thời điểm hiện tại.
Về tên thương hiệu, “Thó Bản” mang ý nghĩa rằng mỗi tác phẩm tạo ra đều là một bản thể của đất thó, mang tinh hoa, hơi thở của đất và nước vùng Kinh Bắc. Sản phẩm phỗng đất được làm ra từ đất thó – một loại đất đặc trưng chỉ có tại đồng ruộng hoặc ao, hồ sen vào mùa cạn nước. Về màu sắc, mỗi màu sắc đều mang một ý nghĩa riêng: màu hồng thể hiện sự vui vẻ, yêu đời, màu xanh lam biểu thị niềm hy vọng, màu vàng của lúa nước Việt Nam, và màu xanh lục thể hiện sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên. Thoạt nhìn concept chung của cả project, mọi người sẽ nghĩ rằng màu sắc có phần trẻ trung quá. Tuy nhiên đây lại chính là màu sắc được lấy cảm hứng từ những màu hiện hữu của tượng phỗng đất truyền thống. Điều này cũng thể hiện tính thẩm mỹ của ông cha ta từ xưa.
Logo thương hiệu được lấy ý tưởng từ tên của thương hiệu, kết hợp với hình ảnh bàn tay nghệ nhân và hình ảnh con chim thể hiện cho khát vọng sản phẩm phỗng đất sẽ được lưu giữ, lan tỏa và phát triển trong cộng đồng. Hình ảnh này cũng ẩn ý cho sự thân thiện của sản phẩm khi được làm hoàn toàn từ những nguyên liệu tự nhiên.
Trong kỳ đồ án này, nhóm tâm huyết nhất và cũng tâm đắc nhất chính là bộ bàn cờ. Vì mong muốn của nhóm là “hồi sinh phỗng đất Việt”, nên luôn tự hỏi rằng làm thế nào để “hồi sinh”, làm thế nào để lan tỏa phỗng đất? Thì boardgame chính là một con đường vừa dễ dàng tiếp cận với các bạn trẻ, vừa thể hiện được tính ứng dụng của phỗng đất trong việc duy trì nét truyền thống văn hóa dân gian này.
Mặt bàn cờ được nhóm lấy cảm hứng từ hình tượng con rồng thời Lý, kết hợp với tác phẩm “múa rồng” của dòng tranh Đông Hồ. Nhóm cũng tính toán sao cho khi gấp các mặt bàn cờ lại, sẽ phô ra được một mặt là logo & symbol; một mặt là thông tin của thương hiệu, tránh gây cảm giác nhàm chán, đơn điệu cho người dùng.
“Các nhân vật phỗng đất trong bộ bàn cờ được nhóm đi đến Bắc Ninh và đặt hàng trực tiếp với nghệ nhân. Nhóm cũng đưa ra ý tưởng làm mới phỗng đất với nghệ nhân. Và bác ấy cũng rất vui vẻ hướng dẫn chúng mình cách pha mực, cách tô sao cho bóng, bền, đẹp,… Về tạo hình các nhân vật phỗng, nhóm có chia sẻ với nghệ nhân rằng nhóm mình muốn tạo nên một bộ nhân vật được lấy cảm hứng từ 6 nhân vật trong truyện dân gian Việt Nam “Lục súc tranh công”. Và sau 2 tuần, trên tay chúng mình đã có bộ 6 nhân vật phỗng chưa có màu. Sau đó, dựa trên những kinh nghiệm về tô màu đã được nghệ nhân chia sẻ, nhóm mình cũng đã tự tay hoàn thành được phần màu cho bộ 6 nhân vật phỗng trong bộ bàn cờ – với phong cách màu sắc, họa tiết đã được cách tân theo phong cách mong muốn” – Chia sẻ thêm về “hành trình” tới gần hơn với nét văn hoá phổng đất của nhóm.
Hộp đựng thẻ bài mình thiết kế theo dạng hộp kéo mở, được lấy cảm hứng từ thiết kế hộp diêm Thống Nhất. Và nếu mọi người đã nhận ra, trên hộp diêm thống nhất cũng có hình ảnh con chim – hình ảnh dễ dàng liên kết với symbol trong logo của nhóm mình. Và mình xin chia sẻ một thông tin đáng buồn: hiện tại Diêm Thống nhất đã ngừng sản xuất. Nhóm mình cũng không muốn chuyện này sẽ xảy đến với phỗng đất Việt. Nên việc lấy cảm hứng từ diêm Thống Nhất cũng như một lời nhắc nhở cần gìn giữ những giá trị văn hóa Việt.
Đặc biệt trong bộ boardgame, còn có sự xuất hiện của bộ thẻ bài 25 lá. Trên 25 lá bài là những hình ảnh hết sức quen thuộc trong đời sống nhân dân ta thời kỳ xưa và nay. Từ hình ảnh loa phường, cao sao vàng,… cho đến ghế nhựa, dép tổ ong, iphone,.. Tất cả những hình vẽ này mình cũng vẽ tay hoàn toàn trên giấy, sau đó được tô màu bằng Illustrator.
Bên trong hộp gồm có 5 nhân vật phỗng & 1 sách giới thiệu. Mỗi nhân vật phỗng đều mang những giá trị nhân văn khác nhau, nhưng tựu trung đều thể hiện nét đẹp văn hóa & giá trị dân tộc. Sách giới thiệu được nhóm lấy cảm hứng từ trò chơi dân gian “Đông Tây Nam Bắc”, mỗi mặt khi mở ra sẽ có những nội dung và ý nghĩa khác nhau, phần nổi 3D được kết hợp từ hình ảnh ngôi đình Đình Bảng cùng các hình tượng vẽ tay.
Điểm mạnh lớn nhất của nhóm đó là trong quá trình thực hiện không xảy ra mâu thuẫn nội bộ. Mọi người đều tập trung cao độ để hoàn thiện các sản phẩm thiết kế. Khó khăn lớn nhất mà nhóm gặp phải là giai đoạn in ấn. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên nhóm đã gặp phải rất nhiều lỗi in ấn điển hình. Ví dụ như in sai màu, sai kích thước, sai tỉ lệ,… Và nhóm cũng ròng rã kiên trì in đi in lại nhiều lần để ra được thành quả cuối cùng tốt nhất. Nhờ vậy mà sau kỳ đồ án này, nhóm cũng đã bỏ túi được rất nhiều kinh nghiệm in ấn để có thể áp dụng được trong tương lai.
Thầy Minh Vương luôn nhiệt tình trong việc thúc đẩy team, truyền cảm hứng và khơi gợi tinh thần dân tộc trong mỗi thành viên. Mỗi khi nhóm có sản phẩm thiết kế, thầy đều duyệt lại rất kỹ và đưa ra thêm những gợi ý để nhóm có thể phát triển kỹ năng hơn. Nhóm lại toàn những bạn đang đi làm & đi học, nên ban ngày mọi người gần như không có thời gian để thực hiện đồ án, mà mọi người sẽ làm vào buổi tối hoặc ban đêm. Những lúc như thế mặc dù đã ngoài giờ làm việc của thầy, nhưng thầy vẫn luôn sẵn sàng nhiệt tình giúp đỡ.
Sau khi kết thúc kỳ I tại trường, không chỉ riêng nhóm Thó Bản mà cả tập thể A2.2206E đều cảm thấy FPT Arena Multimedia là môi trường rất tốt để học tập và trau dồi. Ngoài những kiến thức về chuyên môn, nhà trường còn luôn chú trọng đến phát triển tư duy, kỹ năng mềm cho sinh viên. “Chọn FPT Arena Multimedia để theo học là bước đi đúng đắn, dẫn mở ra một chân trời mới trong ngành mỹ thuật đa phương tiện đối với mình” – Thanh Hằng cho biết.
Chúc mừng hành trình vạn dặm của Thó Bản đã gặt hái về những trái ngọt xứng đáng, chúc các bạn luôn giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết và niềm đam mê để không ngừng tiến về phía trước chinh phục thêm những trang mới của thế giới đa sắc màu Multimedia.