“Có nhiệt huyết mà không có kiến thức thì chúng ta sẽ khó có thể làm được những tác phẩm phim tốt” là điều mà đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa chia sẻ trong talkshow online “Bố cục làm phim: Bấm máy & Dàn dựng” do FPT Arena Multimedia (FAN) tổ chức trong tháng 07 vừa qua. Sự kiện đã thu hút gần 200 bạn có đam mê về làm phim tham gia thông qua nền tảng trực tuyến Zoom Meeting.
Đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa đã từng nhận giải thưởng Cánh Diều Bạc cho phim “ Đường Kiến” (hạng mục giải thưởng cao nhất cho thể loại phim ngắn), đồng thời là Giảng viên học kỳ Làm phim Kỹ thuật số tại FAN Hà Nội.
Một số kiến thức cơ bản và rất dễ ghi nhớ về cách làm phim thông qua các phần thực hành thực tế ngay tại trường quay từ thầy Nghĩa, đã giúp các bạn tham gia dễ hình dung hơn thay vì phải tưởng tượng và tự tìm hiểu.
Qua buổi talkshow online, thầy không chỉ chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức liên quan tới các kỹ năng cần có khi làm phim như Cách xử lý ánh sáng; Cỡ ảnh và tỷ lệ khuôn hình; Góc máy và chuyển động máy. Bên cạnh đó là những câu chuyện thú vị về lịch sử của điện ảnh, hay Thomas Edison, nguồn điện, hay quan điểm về cách làm nghề.
Ánh sáng là nét vẽ của người quay phim
Xử lý ánh sáng là một phần rất quan trọng trong làm phim như thầy Nghĩa đã chia sẻ rằng “ánh sáng là nét vẽ của quay phim”. Bởi ánh sáng có thể ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng khuôn hình, nội dung mà đạo diễn muốn truyền tải, bố cục hình ảnh và tới cả nét thể hiện của diễn viên.
Ánh sáng mùa hè cho thấy màu ấm nóng( sự phấn khích sôi nổi), ánh sáng mùa đông cho thấy sự ấm lạnh( lạnh lẽo, cô đơn..). Ánh sáng thể hiện được nội dung và trạng thái bộ phim do đó màu sắc của phim cũng sẽ ảnh hưởng tới tâm lí nhân vật.
Bên cạnh đó, thầy cũng chia sẻ về những loại máy quay phim, máy ảnh, cách tháo lắp máy để khi chụp/ quay ánh sáng được tốt nhất.
Nhu cầu của tác giả và thông điệp từ đạo diễn quyết định cỡ cảnh và tỷ lệ khuôn hình
Cùng với mẫu trực quan là bạn MC, thầy Nghĩa đã đưa đến các khái niệm về cỡ cảnh như toàn cảnh hẹp, trung cảnh, trung cảnh Mỹ, trung cảnh rộng, trung cảnh hẹp, cận cảnh, đặc tả…
Mỗi cỡ cảnh sẽ tương ứng với câu chuyện mà người đạo diễn đang muốn thể hiện trong bộ phim thông qua từng khuôn hình. Song song đó, tỷ lệ tổng thể của khuôn hình sẽ giúp cho phim khi trình chiếu phù hợp với kênh hay phương tiện phát sóng, không bị làm méo hay lệch hình.
Với sự phát triển không ngừng của điện ảnh, truyền hình… việc lựa chọn tỉ lệ khuôn hình cũng sẽ tùy thuộc vào nhu cầu của tác giả hay biên kịch, dụng ý và thông điệp mà đạo diễn muốn hướng đến…
Bắt khoảnh khắc “đắt” nhờ góc máy và chuyển động máy
Góc máy là một trong những nhân tố quan trọng thể hiện được dụng ý của tác giả đối với nội dung muốn diễn tả và trạng thái của nhân vật: Cô đơn, cao ngạo, sự áp lực, đè nén …để từ đó lựa chọn cách thức chuyển động máy phù hợp.
Chuyển động máy giúp bắt kịp những khoảnh khắc “đắt”, hay lột tả sự toàn cảnh, chậm rãi, nhanh chóng…. cho phù hợp với dụng ý của người làm phim: Chuyển động máy nhanh, chậm, sang phải, trái, lia máy, lia dọc, lia dọc nhanh, từ trên xuống… Tất cả đều được thực hiện với mong muốn cho ra những thước phim hoàn hảo và chân thật nhất.
Đến “Trường nét” cũng cần phải “hợp gu”
Bạn nghĩ sao nét một bộ phim hay video nào đó mà điểm bắt nét quá mờ, khoảng cách khung hình quá xa hay quá gần ? Đừng để tác phẩm của chúng ta trở nên thiếu chuyên nghiệp nếu không tìm hiểu và áp dụng trường nét đúng cách đấy nhé!
Tùy theo góc máy hay cỡ cảnh mà bạn muốn thể hiện ta sẽ cần điều chỉnh khoảng cách máy, sử dụng ống kính cho phù hợp để có được những trường nét “hợp gu” nhất trong phim. Trường nét sẽ hoàn hảo nhất khi bạn có kiến thức nền về loại ống kính, loại máy ảnh/máy qua đang dùng.
“Góc máy/cách xử lý đều phải được học và trải nghiệm thực tế. Học đi đôi với hành, bất cứ ngành nghề nào cũng đều cần trải nghiệm thực tế” – thầy Nghĩa mong muốn các bạn có đam mê với nghề làm phim cũng nên cần có đầy đủ kiến thức chuyên môn song song thực hành để có kỹ năng nền tảng chắc chắn.
Thầy cũng đã có sự ví von gần gũi và thú vị như “Quay phim giống đi chợ, cần phải có hàng tươi ngon, nguyên liệu tươi ngon (tương ứng trong phim là hình ảnh đẹp, âm thanh tốt, chi tiết phù hợp). Editor là người “chế biến” sản phẩm (chỉnh sửa hình ảnh, sản xuất phim) để tạo ra được những món ăn ngon (hình ảnh chau chuốt, nội dung hay và hấp dẫn thu hút người xem)”.
Mong rằng các bạn sẽ không ngừng học hỏi để cho ra các sản phẩm chất lượng, dù là tự học hay học trong trường lớp như FPT Arena Multimedia cũng đang đào tạo về Làm phim Kỹ thuật số thì chắc chắn chúng ta sẽ luôn có những bộ phim chất lượng được nhiều khán giả yêu thích nhé!
Lộc Toàn/Trà My