Hologram là gì? Bật mí những bí mật về Hologram

Hologram là thuật ngữ phổ biến trong rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực từ nghiên cứu khoa học cho đến thời trang, quảng cáo. Tuy nhiên Hologram là gì và những ứng dụng của nó trong cuộc sống thì chưa hẳn ai cũng biết. Hãy cùng tôi khám phá tường tận mọi thứ về hologram nhé!

Hologram là gì?

Hologram là gì?
Hologram là gì?

Hologram có khá là nhiều định nghĩa, nhưng thường chúng ta biết đến chúng qua khái niệm công nghệ Hologram. Công nghệ này được định nghĩa là một sản phẩm của công nghệ ghi hình 3D, có tên gọi là Holography. Kỹ thuật này còn có tên gọi là holographic, hai còn được gọi dưới tên là kỹ thuật toàn ảnh. Ngoài ra từ “Holography” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp. Nó là từ được ghép lại bởi 2 từ là “Holos” có nghĩa là “toàn bộ” và “Graph” có nghĩa là “ghi lại”.

Định nghĩa thực sự về hologram được biết tới dưới hai định nghĩa chính dưới đây:

  • Là việc bố trí vị trí của các chi tiết trong một bức ảnh phẳng, để khi có ánh sáng chiếu vào một cách thích hợp nó sẽ nổi lên như một ảnh 3D ( ảnh 3 chiều) có chiều sâu. Ví dụ điển hình là những con tem chống hàng giả thường được dán đằng sau các loại sách, dưới những góc nhìn khác nhau chúng sẽ hiện lên màu sắc khác nhau kèm với logo thương hiệu. Có một số loại tem đặc biệt còn hiển thị thêm dòng chữ hàng thật khi nghiêng 1 góc độ và logo thương hiệu khi nghiêng ở một góc độ khác.
  • Là việc hình ảnh phản chiếu của một vật thế mà ta có thể nhìn được ở mọi góc độ, cảm giác như vật thể đang thực sự hiện hữu mặc dù ta không thể, chạm, cầm, nắm được nó.

Ngoài ra, Hologram còn được hiểu là kỹ thuật ghi hình của không gian 3 chiều (3D) lên môi trường không gian 2 chiều (2D) và từ môi trường 2D này có thể phát lại hình ảnh 3D của sự vật. Đó là phương pháp tái tạo hình ảnh 3D của sự vật một bản ghi phẳng 2D. Bằng bàn ghi 2D, dưới một góc nhìn và ánh sáng thích hợp sẽ cho ta thấy sự hiện diện 3D của sự vật mà không có sự hiện diện của sự vật tại đó.

Một số loại Hologram 

Một số loại Hologram
Một số loại Hologram thường gặp

Các loại Hologram được sinh ra theo sự phát triển của khoa học công nghệ. Hiện nay, có rất nhiều loại hologram mà tiêu biểu có thể kể đến như:

  • Transmission hologram (hay còn gọi là Hologram Truyền):  Là loại Hologram thường sử dụng tia laze chiếu từ hướng đối diện với mắt của người xem so với vị trí của Hologram.
  • White light reflection hologram (hay còn gọi là Hologram phản xạ anh sáng trắng): Là loại HoloGram cho phép bạn có thể nhìn thấy được ảnh của vật dưới anh sáng trắng.
  • 3D Hologram LED Fan Display: Là loại Hologram sử dụng những bóng đèn Led được gắn trên một chiếc quạt hai cánh, khi cánh quạt quay các bóng Led sẽ phát sáng theo sự lập trình sẵn để tái tạo hình ảnh của vật. Hiện nay đây đang là loại Hologram được sử dụng rộng rãi cho mục đích quảng cáo trong các trung tâm thương mại hay siêu thị. Ngoài ra các sự kiện hay showroom công nghệ cũng đặc biệt thích sử dụng loại Hologram này bởi khả năng gây ấn tượng tuyệt vời mà lại đơn giản để sử dụng.

Kỹ thuật tạo ảnh Hologram để trình chiếu

Một số loại Hologram
Hologram trong trình chiếu

Kỹ thuật tạo ảnh 3D để trình chiếu còn được gọi là Holography. Holography được tiến sĩ Dennis Gabor phát minh ra vào năm 1947 tại Anh. Sau khi phát minh này ra đời, cuộc sống xã hội đã có rất nhiều ảnh hưởng sâu rộng ở nhiều mặt. Dennis Gabor đã nhận được giải thưởng Nobel Vật Lý nhờ phát minh này vào năm 1971. Công trình này của ông đã được bắt đầu từ cuối những năm 1940 nhằm phục vụ cho mục đích chế tạo kính hiển vi điện tử để nghiên cứu cấu trúc tinh thể. Với sự phát triển của tia laze vào năm 1960, những kết quả nghiên cứu này được áp dụng vào kỹ thuật trình chiếu vật thể 3D.

Holography hiện được ứng dụng vào rất nhiều các ngành nghề khác nhau như quảng cáo, thời trang hay điện ảnh,v.v.. Ngoài ra trong công việc, Hologram cũng được sử dụng rất nhiều để thuyết trình và tạo ấn tượng với người xem.

3D Hologram là gì?

Một số loại Hologram
3D Hologram – Công nghệ kì diệu

Công nghệ Hologram 3D là một kĩ thuật giúp tái tạo lại hình ảnh của vật thể trong không gian 3 chiều. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách thu những tia tán xạ từ vật thế và ghi lại nó và tái tạo lại vật thể bằng những tia đã được ghi lại. Nhờ đó, kể cả khi vật không còn nằm ở vị trí đó, bạn vẫn có thể nhìn thấy nó bằng hình ảnh đã được tái tạo. Hình ảnh 3D được tạo ra bởi công nghệ này sẽ hiện ra lơ lửng giữa không trung mà không cần màn chiếu hay các loại kính đeo chuyên dụng. Người xem hoàn toàn có thể nhìn thấy ảnh 360 độ của vật. Cả quá trình này được thực hiện bởi một máy chiếu có độ phân giải cao. Độ phân giải cao sẽ giúp cho vật được trình chiếu trông thật và rõ ràng hơn. Tiếp đến là một máy tạo nền. Cuối cùng là một bộ phận dựng hình.

Cơ chế hoạt động của quá trình này khá là đơn giản. Khi máy chiếu được bật nó sẽ chiếu thẳng về hướng người xem. Các chùm tia sáng được máy chiếu phát ra sẽ đi qua máy tạo nền và hiển thị trước mắt người xem. Những hình ảnh này giống vật thể gốc y hệt. Và đương nhiên vì đây là ảnh ảo của vật nên người xem hoàn toàn có thể đi xuyên qua chúng hay làm gián đoạn quá trình truyền sáng khiên vật biến mất. Ngoài việc cần có cho mình một máy chiếu chất lượng cao, hình ảnh để trình chiếu cũng phải là những hình ảnh chất lượng cao để ảnh ảo trông như thật và có hiệu ứng đẹp mắt. Hình ảnh nên là những hình có độ tương phản cao, nền tối. Có thể bạn đang nghĩ dàng nếu dùng những hình phức tạp thì ảnh ảo của vật sẽ có nhiều hiệu ứng đẹp mắt hơn nhưng qua thực tế lại chứng minh những điều ngược lại. Nếu hình của bạn càng đơn giản thì ảnh ảo của vật tạo ra lại càng đẹp mắt và ngược lại, những vật thể được thiết kế phức tạp sẽ cho những hiệu ứng không được đẹp mắt bằng.

Những ứng dụng tuyệt vời của 3D Hologram các lĩnh vực

Những ứng dụng tuyệt vời của 3D Hologram các lĩnh vực
Những ứng dụng của Hologram trong công việc

1. Quảng cáo

Vào năm 2009, Cocacola đã tổ chức một sự kiện bán hàng riêng. Nhằm thu hút sự chú ý cũng như tạo sự bất ngờ cho người tham dự, Họ đã tạo một hình ảnh ảo của vị chủ tịch tập đoàn. Sau đó mang trình chiếu nó để đánh lừa người xem trước khi vị chủ tịch thực sự bước lên trên sân khấu và thuyết trình. Một ví dụ khác là sự kiện ra mắt sản phẩm mới của BMW tại Nam Phi vào năm 2007. Để gây ấn tượng với giới truyền thông cũng như người dùng, BMW đã xây dựng hình ảnh chiếc BMW X6 sắp ra mắt và thể hiện nó bằng Hologram. Trước 700 khách mời và nhân viên, hình ảnh chiếc xe với chiều cao 4 mét và rộng đến 12 mét đã được trình chiếu và mang lại được tiếng vang lớn. Hẳn qua 2 ví dụ trên của tôi, bạn đã phần nào tưởng tượng được sức mạnh của việc ứng dụng Hologram trong lĩnh vực quảng cáo. Việc gây ấn tượng trong quảng cáo luôn là yếu tố then chốt giúp cho thương hiệu đứng vững trong lòng người dùng. Và Hologram luôn là 1 vũ khí lợi hại cho các nhà quảng cáo, đặc biệt là những thương hiệu về công nghệ luôn lấy sự hiện đại để đặt lên hàng đầu.

3D Hologram có thể cho phép kết hợp hình ảnh và âm thanh cùng lúc nên sẽ cho người xem một cảm giác sống động, chân thật hơn video rất nhiều lần. Ngoài ra việc không cần phải sử dụng đến màn hình trình chiếu hay kính chuyên dụng khiến Hologram một lần nữa lại chiếm được trái tim của những nhà quảng cáo. Thậm chí, người dùng cũng có thể tự trải nghiệm Hologram ngay tại nhà chỉ với một video Hologram và tấm mica trong suốt hình chóp cụt. Điều này giúp những nhà quảng cáo dễ tiếp cận với họ hơn và cũng dễ gây ấn tượng hơn những ấn phẩm 2D nhàm chán. Ngoài ra những quảng cáo nào cũng dễ thu hút người dùng tự chia sẻ nó đi một cách thụ động cho những người quen, giúp tối đa hóa được hiệu quả quảng cáo.

2. Điện ảnh và game

Bạn có thể tìm thấy rất nhiều bộ phim hay trò chơi điện tử có sử dụng 3D Hologram trong nó. Tiêu biểu có thể kể đến như bộ phim Star Wars, những hình ảnh mô phỏng 3D của các nhân vật rất hay được xuất hiện xuyên suốt cả bộ phim. Với bộ phim Iron Man thì ở cả ba phần ta đều có thể thấy những hình ảnh 3D được tạo bởi Hologram trong màn hình điều khuyển những bộ giáp những như hệ thống siêu máy tính hỗ trợ cho anh chàng. Với trò chơi điện từ thì Hologram còn phổ biến hơn cả. Final Fantasy VIII luôn show cho người xem một màn hình 3D Hologram ở khán phòng tại Galbadia Garden. Những chú hề 3D luôn nhảy múa tại phân cảnh cuộc bạo động ở Balamb. Ở phần VII, người chơi còn được trải nghiệm 3D Battle, nơi mà Cloud phải chiến đấu với đối thủ bằng hình ảnh 3D Hologram của chính mình. Qua những ví dụ trên, Bạn có thể thấy được sự yêu thích của các phát triển với những hình ảnh 3D được tạo bởi Hologram. Nhìn chung những hình ảnh Hologram luôn cho người xem một cảm giác, trải nghiệm đến từ tương lai. Với những bộ phim viễn tưởng lấy bối cảnh tương lai hiện đại. Việc không sử dụng Hologram làm cho những bộ phim phần nào ít đi tính “tương lai” của mình. Nhất là với những bộ phim hay trò chơi điện tử về chủ đề khoa học viễn tưởng, nơi những yếu tố hiện đại tân tiến luôn là thứ phải có.

3. Lĩnh vực đo đạc và vẽ bản đồ

Nghe tưởng chừng không liên quan nhưng việc sử dụng 3D Hologram thực sự đã mang lại nhiều chuyển biến to lớn. Với đặc thù về địa hình khác nhau, việc chỉ đơn thuần đo đạc bằng dụng cụ thông thường dường như là không đủ. Có những vị trí địa hình đặc biệt mà con người khó có thể vào sâu để tiến hành đo đạc hay thậm chí có những địa hình rất nguy hiểm không thể vào. Nhằm khắc phục được vấn đề này, người ta sử dụng các tia laze để thu về những hình ảnh kỹ thuật số của các vật thể vật lý ở địa hình đó. Các thông tin về vật thể đều sẽ được gửi về dưới dạng là những điểm đám mây (hay còn gọi là cloud point). Sau đó những điểm đám mây được sử dụng để tái hiện lại cấu trúc của vật thể, giúp cho việc ước lượng tính toán trở nên dễ dàng và chính xác hơn rất nhiều.

Hologram Color là gì?

Hologram Color là gì?
Hologram Color và sức hút kỳ lạ của nó

Đi qua khái niệm về 3D Hologram thì chúng ta cũng không thể không nhắc đến khái niệm Hologram color. Nếu 3D Hologram là việc biến những hình ảnh 2D thành hình 3D, giúp cho chúng có chiều sâu hơn thì Hologram cũng làm công việc gần như tương tự. Đó là sự phối trộn các dải màu sắc để giúp cho chúng có thể biểu hiện được chiều sâu. Hay nói cách khác, những dải màu màu này khiến người ta cảm thấy chúng có chiều sâu hơn so với những màu sắc thông thường khi nhìn vào.

Màu kim loại (Metallic) hay màu ánh kim (sequin) là những dài màu phổ biến được dùng để tạo nên Hologram color. Tuy nhiên, nó mang trong mình một sự khác biệt rất riêng.Chất màu của Hologram Colour không nhìn “dày” và nặng nề như màu ánh kim (sequin) và cũng không kém nổi bật như màu kim loại (metallic). Nó mang tính tổng hòa điểm mạnh của cả 2. Khi bạn nghiêng hay xoay các vật thể có Hologram color ở nhiều góc độ khác nhau sẽ tạo thành hiệu ứng chuyển màu đặc sắc, thay đổi tức thì và liên tục, ngoài ra còn có ánh cầu vồng 7 màu.

Sức hút của Hologram color thực sự là không phải bàn cãi khi những gam màu bình thường quen thuộc có phần trở nên tẻ nhạt và không còn hấp dẫn. Nhất là trong thiết kế hay thời trang, nơi màu sắc luôn nắm vai trò quan trọng trong việc tạo sự chú ý với khách hàng. Sự xuất hiện của Hologram Color như một phát bắn phá vỡ đi bão hòa tẻ nhạt của những màu sắc thông thường. Với khả năng biến đổi màu sắc, Hologram color tạo cho sản phẩm hay tác phẩm một sự kỳ ảo hút mắt đối với người xem. Với những người lần đầu trải nghiệm nó sẽ luôn cảm thấy nó dường như không chỉ là một dài màu sắc đơn thuần mà nó như một sinh vật sống có thể biến đổi không ngừng.

Những ứng dụng của Hologram color 

Những ứng dụng tuyệt vời của Hologram Color
Những ứng dụng tuyệt vời của Hologram Color

Sự ra đời của Hologram color đã làm thay đổi thậm chí, nâng tầm cho một số lĩnh vực lên một tầm cao khác. Các lĩnh vực có sử dụng đến Hologram Color tiêu biểu có thể kể đến như:

1. Lĩnh vực thời trang

Vốn là ngành nghề luôn đi tìm kiếm những sự mới mẻ, thật khó để những nhà thiết kế bỏ qua xu hướng màu độc đáo này. Ta có thể dễ dàng bắt gặp được những thiết kế quần áo sử dụng các mảng màu hologram như một điểm nhấn trên trang phục. Các họa tiết lớn nhỏ khi có cho mình Hologram Color đều trở nên nổi bật và tách biệt hơn so với những chi tiết còn lại. Những trang phục street wear thường là những trang phục tận dụng rất tốt màu này. Công nghệ in ấn phát cũng đã giúp cho việc in ấn những mảng màu Hologram lên trên nhiều chất liệu khác nhau giúp nó ngày càng trở nên phổ biến hơn. Vào những năm 2012 – 2013, Hologram color thực sự đã là một cơn bão khi rất nhiều bộ sưu tập của các nhà thiết kế nổi tiếng như Jonathan Saunders hay thương hiệu nổi tiếng như Calvin Klein cũng không phải ngoại lệ. Từ áo khoác, váy, đầm hay quần dài tất cả đều được phủ Hologram Color. Và nó mang lại những cơn sốt thời trang trên toàn thế giới. Sau đó đến năm 2018, trào lưu trang phục với Hologram Color lại một lần nữa được các nhà thiết kế mang lên sàn diễn và tiếp tục phát triển đến tận bây giờ. Ở Việt Nam, không khó để ta có thể thấy các KOL, diễn viên, người nổi tiếng diện những chiếc đầm body hay những chiếc áo khác với Hologram color là màu chủ đạo. Điều đó chứng tỏ cho sức hút mãnh liệt của gam màu này vẫn còn là rất lớn.

Không chỉ những mẫu quần áo có những chuyển biến rõ rệt về việc thiết kế màu sắc, mà cả những màu giày cũng vậy. Nổi tiếng trong những mẫu giày sử dụng màu Hologram làm chủ đạo có thể kể đến như Adidas Superstar hay Air Jordan 1. Với những họa tiết màu Hologram, những đôi giày trở nên thực sự có điểm nhấn hơn cho người đeo. Cũng có những nhà sản xuất táo bạo tạo nên những đôi giày hoàn toàn là Hologram color. Tuy nhiên, chúng có vẻ không được phổ biến lắm vì khá là khó để có thể phối đồ chúng 1 cách hợp lý.

Cuối cùng, có váy có giày thì chắc chắn không thể thiếu các phụ kiện. Các phụ kiện có Hologram color vẫn luôn luôn chiếm được một vị trí trong tủ đồ của các tín đồ thời trang. Túi xách, balo, ốp điện thoại hay thậm trí là cả một số loại khuyên tai (bông tai) cũng đã khai thác rất tốt vẻ đẹp của Hologram Color.

2. Lĩnh vực tem chống hàng giả

Hàng giả vẫn luôn là nỗi lo lớn của không chỉ những nhà phân phối cũng như người tiêu dùng. Cùng với sự phát triển của công nghệ, loại tem chống hàng giả, sử dụng ứng dụng của Hologram Color cũng ra đời. Loại tem này còn được biết đến với tên là tem bảy màu. Các bạn dễ dàng có thể bắt gặp được chúng đằng sau những cuốn sách giáo khoa hay các hộp thuốc. Để tạo ra được những con tem như vậy, người ta sử dụng laze và chiếu vào màng Hologram. Những thông tin được ghi vào tem sử dụng Dot – Matrix (ma trận chấm) giúp chúng rất khó để có thể bị làm giả. Loại tem Hologram này còn có đặc điểm là khi bóc ra sẽ bị hỏng ngay, nhờ vậy mà độ tin cậy càng được nâng cao. Hiện này cũng có rất nhiều loại tem Hologram trên thị trường như tem 3d với giá thành rẻ và sản xuất nhanh thường được thấy trên các sản phẩm điện tử và thực phẩm. Tem 3D phản chiếu là loại team có thể nhìn trực tiếp bằng mắt mà không cần đến đèn chuyên dụng có phát ra Hologram color đặc trưng rất đẹp mắt. Bạn có thể thấy trên các loại thẻ cá nhân ví dụ như căn cước, VISA, bằng lái xe hay,… Ngoài ra còn vô số các loại VISA khác như tem Hologram UV, tem Hologram in nổi hay, tem Hologram 3 chiều tích hợp…

3. Lĩnh vực thiết kế đồ họa

Cũng như thời trang, lĩnh vực này cũng là một lĩnh vực luôn bị ảnh hưởng mạnh bởi các xu hướng màu sắc. Với Hologram color được sử dụng một cách khéo léo sẽ làm cho thiết kế trở nên thú vị hơn rất là nhiều. Xu hướng thiết kế hiện nay là sử dụng Hologram color kết hợp với hiệu ứng chuyển màu Gradient sẽ làm thiết kế của bạn trở nên rất hiện đại và đôi chút kì ảo. Ngoài ra phong cách thiết kế chữ với Hologram colour sẽ luôn là lựa chọn phù hợp nhằm làm nổi bật nội dung bạn muốn.

Hy vọng những chia sẻ trên đã cho bạn hiểu rõ thêm về Hologram và những ứng dụng của nó trong đời sống. Nếu bạn còn những thắc mắc chưa được giải đáp về những khái niệm mới mẻ trong lĩnh vực làm phim, lòng liên hệ qua website FPT Arena để được hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất.

Viện Đào Tạo Quốc Tế FPT

FPT Arena Multimedia – https://arena.fpt.edu.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỗ trợ Tư Vấn Tuyển Sinh