Thiết kế logo, tờ rơi, dựng ảnh 3D, tạo banner, font chữ, biểu hiện…là đa phần những gì các designer phải làm. Mọi thiết kế đều cần họ đặt hết tất cả tâm huyết, sự sáng tạo vào đó. Tuy nhiên, các nhà tạo hình này luôn gặp một nỗi đau không khách hàng nào hiểu là: Những thiết kế ưng ý nhất luôn bị chối bổ.
Không cần phải là designer bạn mới hiểu những cảm giác này, cứ tưởng tượng bạn đặt hết sức lực, thời gian vào một công việc duy nhất. Cuối cùng, tạo ra một sản phẩm mà bạn cho là ưng ý nhất và sản phẩm ấy sau đó bị tất cả mọi người gạch đi, coi là không giá trị. Chính những điều này khiến dân thiết kế luôn hụt hẫng, đau đầu, dần dần dẫn đến việc chán nản với nghề.
Là một designer, bạn phải chọn sống và làm việc theo 1 trong 2 cách sau:
1/ Làm theo ý người khác, vứt bỏ ý tưởng của mình để lấy tiền, dù nó sai, nó xấu.
2/ Làm theo bạn, bạn giải thích, phân tích, lí luận cho khách hiểu và chấp nhận tác phẩm nghệ thuật của mình. Còn không thì dừng lại việc hợp tác.
Hầu hết mọi người theo cách 1 và than thở vì khách hàng kêu chỉnh sửa quá nhiều. Tuy nhiên cách 2 vẫn có số ít người làm, với cách này đòi hỏi ở bạn trình độ cao hơn, bạn phải biết phân tích, nói lí để khách hàng hiểu bản chất sâu xa những ý tưởng của bạn và nếu thành công thì đây sẽ là phần thưởng xứng đáng nhất cho công sức sáng tạo của các designer.
Qua trao đổi với cộng đồng design ở Việt Nam, đa phần các designer ngán ngẩm làm việc với khách trong nước nhất. Theo họ, các khách hàng Việt Nam luôn thích làm theo ý của mình, họ muốn cái họ thích chứ không phải cái họ cần. Nhưng vì môi trường làm việc còn quá ít nên các designer không dám ý kiến nhiều, dẫn đến sự bực tức trong lòng. Đã có 1 trường hợp, khi khách hàng đòi hỏi quá nhiều và tỏ vẻ khinh thường kiến thức thiết kế 1 designer, anh ta đã đứng dậy và đập thẳng thiết kế lên bàn, sau đó bỏ việc. Có thể nói, sự bực tức quá lâu đã dẫn đến điều không hay này.
Nhưng dù bực tức ít hay nhiều đây vẫn là công việc hằng ngày, bạn có trưng ra 3 mẫu thiết kế và khách hàng chọn mẫu xấu nhất thì vẫn phải cười tươi, bạn phải tôn trọng khách hàng trong công việc. Nếu bạn là designer và bạn muốn sáng tạo, hãy thiết kế cho chính bản thân mình và dũng cảm nêu lên quan điểm của mình trong các trường hợp. Còn nếu bạn là khách hàng, hãy kiên nhẫn lắng nghe ý tưởng của những nhà thiết kế, đôi khi sự thành công trong việc truyền bá hình ảnh sản phẩm, công ty bạn nằm trong những lời nói của họ. Vì thực trạng chung bây giờ cần một môi trường làm việc mang tính sáng tạo hơn cho những nhà thiết kế và điều này chỉ được đáp ứng bởi các công ty nước ngoài. Chính vì biết thỏa mãn niềm đam mê, tính sáng tạo của những designer mà hình ảnh của các công ty, nhãn hiệu ngoài nước luôn được truyền bá khắp nơi, góp phần đánh bật hình ảnh sản phẩm nước nhà.
Do đó, hãy luôn biết lắng nghe, đóng góp để công việc đạt hiệu quả tốt nhất.
Theo Genk.vn
Viện Đào Tạo Quốc Tế FPT
FPT Arena Multimedia – https://arena.fpt.edu.vn