Zoom Talk: Video Production – Cuộc trò chuyện cuối tuần của những con người chung “tần số”

Thứ Sáu ngày 24/9 vừa qua, hơn 100 bạn trẻ tham dự Zoom Talk: Video Production – Con đường nào cho bạn? đã “mê chữ ê kéo dài” bởi những câu chuyện đời, chuyện nghề từ hai thế hệ làm phim: đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa và giảng viên trẻ Đào Hoàng Anh, lần đầu tiên “on the mic” trên cùng một tần số.

Với một chủ đề theo xu hướng cộng thêm sự xuất hiện của 2 thầy giáo siêu hot, Zoom Talk đã thu hút rất nhiều bạn trẻ tham dự và tương tác sôi nổi

Là một trong những sự kiện thuộc chuỗi dự án “NÓI NHỎ NÓI TO – nhỏ to cùng chia sẻ”, Zoom Talk: Video Production – Con đường nào cho bạn đã làm cho tối thứ sáu cuối tuần nóng lên với những câu chuyện chân thực, thú vị, không có trên giảng đường của hai “anh giáo” – hai thế hệ làm phim cùng giảng dạy tại FPT Arena. 

Đặc biệt, Zoom Talk lần này còn có sự đồng hành của chị Nguyễn Phương Anh - Giám đốc FPT Arena Multimedia Hà Nội với vai trò là người dẫn chuyện
Đặc biệt, Zoom Talk lần này còn có sự đồng hành của chị Nguyễn Phương Anh – Giám đốc FPT Arena Multimedia Hà Nội với vai trò là người dẫn chuyện

Mở đầu buổi talk, người dẫn chuyện đã đặt ra câu hỏi với tất cả các bạn tham dự “Video Production là gì?”. Từ lời gợi mở đó, con đường “video production” – làm phim của hai diễn giả khách mời được trải ra trước mắt người xem qua lời hồi tưởng của chính người trong cuộc.

Bạn Đinh Lê Tuấn Phong – một sinh viên đang theo học tại FPT Arena trả lời: “Theo em, video production là một quá trình bao gồm các công đoạn để có thể sản xuất ra video như: lên kịch bản, quay video và hậu kỳ”

Từ câu chuyện của những ngày chập chững bước vào nghề

Với đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa, con đường đến với làm phim như một chữ “duyên”. Vốn là sinh viên khoa báo chí tại trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, thầy Nghĩa chạm ngõ với nghề qua con đường viết kịch bản phim. Kịch bản đầu tay của thầy là bộ phim “Đi về phía mặt trời”. Từ đó, thầy có cơ hội được làm việc cùng đạo diễn/NSƯT Lưu Trọng Ninh, tham gia vào các bước trong một quy trình làm phim hoàn chỉnh từ kịch bản đến sản xuất, hậu kỳ. Quá trình trải nghiệm thực tế đã khiến thầy Nghĩa tìm được đam mê thực sự của mình. Thầy đã quyết tâm thi lại vào trường Đại học Sân Khấu điện ảnh và kết quả đúng như mong đợi, thầy đỗ thủ khoa đạo diễn.

Còn với giảng viên trẻ Hoàng Anh, ngay từ khi là chàng sinh viên Công nghệ thông tin tại Đại học Bách khoa Hà Nội, thầy đã cùng SVM – nhóm hài sinh viên nổi tiếng trên youtube thỏa mãn đam mê quay phim chỉ với chiếc iphone 5. Rồi từ sở thích vui vui, thầy Hoàng Anh tìm thấy làm phim chính là đam mê lớn nhất của mình và quyết định theo con đường video production chuyên nghiệp. Chính FPT Arena là chiếc nôi đào tạo nghề đầu tiên, đã trao cho thầy Hoàng Anh những kỹ năng căn bản nhất để bắt đầu dấn thân trên hành trình theo đuổi đam mê làm phim.

Những câu chuyện người thật việc thật được 2 thầy kể bằng giọng điệu tâm tình, hài hước khiến cho các bạn tham dự đều gật gù ngưỡng mộ và phần nào thấu hiểu được những khó khăn sẽ gặp phải khi mới theo nghề.
Những câu chuyện người thật việc thật được 2 thầy kể bằng giọng điệu tâm tình, hài hước khiến cho các bạn tham dự đều gật gù ngưỡng mộ và phần nào thấu hiểu được những khó khăn sẽ gặp phải khi mới theo nghề.

Mới bước chân vào nghề, thầy Hoàng Anh như bao bạn trẻ khác, không tránh khỏi nhiều khó khăn. “Khó khăn thứ nhất là mông lung, chưa biết mình thích và giỏi cái gì trong một lĩnh vực rất rộng lớn. Khó khăn thứ hai là vấn đề về tài chính và khó khăn thứ ba là thời gian. Lúc mới bước chân vào nghề kinh nghiệm chưa có, kỹ năng cũng chưa nhiều thì rất khó để duy trì đam mê. Bài toán đặt ra là chúng ta phải giải quyết các vấn đề đó để vẫn có thể dành thời gian cho đam mê và đi theo nó đến tận cùng, làm thế nào để xoay sở được tài chính để có tiền làm phim/làm những điều mình thích”. – Thầy Hoàng Anh nhớ về những năm tháng bắt đầu chập chững đến với nghề.

Đồng tình với chia sẻ của thầy Hoàng Anh, đạo diễn Quang Nghĩa cũng cho rằng: “Học nghệ thuật nói chúng và làm phim nói riêng thì khó khăn lớn nhất đó chính là tài chính. Làm thế nào để theo đuổi đam mê? Đôi khi chúng ta sẽ phải làm những công việc không phải là đam mê của mình nhưng đây sẽ là cách để nuôi dưỡng và theo đuổi đam mê”.

Từ những câu chuyện của thầy Nghĩa và thầy Hoàng Anh cho thấy tuy con đường đến với nghề của hai người khác nhau nhưng lại có một mẫu số chung chính là đam mê. Đi theo sự lựa chọn của trái tim đã là một điều chẳng hề dễ dàng, có trụ vững với nghề, gặt hái được thành quả lại càng khó khăn hơn. Để làm được điều này thì không ai khác ngoài chính bản thân chúng ta phải thật kiên trì và nỗ lực sống với đam mê của mình.
Từ những câu chuyện của thầy Nghĩa và thầy Hoàng Anh cho thấy tuy con đường đến với nghề của hai người khác nhau nhưng lại có một mẫu số chung chính là đam mê. Đi theo sự lựa chọn của trái tim đã là một điều chẳng hề dễ dàng, có trụ vững với nghề, gặt hái được thành quả lại càng khó khăn hơn. Để làm được điều này thì không ai khác ngoài chính bản thân chúng ta phải thật kiên trì và nỗ lực sống với đam mê của mình.

Hãy như con lật đật, không bao giờ gục ngã

Chán nản, hoài nghi về năng lực của bản thân là những điều dễ thấy khi mới bước chân vào nghề. Để luôn giữ được ngọn lửa đam mê, kiên trì theo con đường mà mình đã lựa chọn thì không chỉ có việc kiếm tiền mà chúng ta còn phải học hỏi rất nhiều. 

“Con lật đật” – phim ngắn đầu tay của thầy Nghĩa, và cũng là một ví dụ của sự kiên trì, không bao giờ gục ngã

Đạo diễn Quang Nghĩa đã đưa ra những chia sẻ tâm huyết về những khó khăn sẽ gặp phải khi theo đuổi đam mê. Thầy ví nuôi dưỡng đam mê cũng khó khăn như quá trình một diễn viên múa ba lê khổ luyện, ngày ngày phải đứng trên mũi chân, chịu đau đớn để cho khán giả thấy những điệu múa đẹp. Vì vậy, “khi đã xác định được con đường của mình thì điều quan trọng đầu tiên các bạn phải thực sự nghiêm túc với nó”

Chị Phương Anh đã kết lại rằng: “Việc học không chỉ dừng lại ở những tiết học trên lớp hay bài vở ở nhà mà còn phải học ở ngoài thực tế để có một sự hiểu biết rộng. Khi làm bất cứ công việc gì nếu bạn là người có nhiều trải nghiệm thì sẽ có góc nhìn đa chiều và tinh tế hơn”.

Từ những quan điểm của các khách mời, chúng ta có thể nhận ra một điều: duy trì đam mê, nghiêm túc theo nghề, kiên trì học hỏi là cách mà chính những người trong ngành dù đã có kết quả nhất định nhưng vẫn nỗ lực trau dồi hàng ngày để giữ mãi ngọn lửa đam mê của mình.

Điện ảnh và công nghệ luôn luôn song hành 

Bước qua câu chuyện đam mê, diễn giả và khách mời được dẫn dắt sang bối cảnh hiện tại. Chúng ta đang sống trong một thế giới biến chuyển không ngừng, có thể kiến thức ngày hôm nay chúng ta được học, ngày mai nó đã trở thành cũ rồi và rất khó để kiểm soát hay dự đoán về một điều gì đó. Lại thêm bối cảnh dịch bệnh như Covid đã thay đổi mọi thứ và làm phim cũng không nằm ngoài sự biến chuyển ấy. Người dẫn chuyện đã đặt ra vấn đề: “Trong những năm gần đây, công nghệ đã lấn sân, tham gia vào nhiều lĩnh vực. Ở đâu có những thứ liên quan đến mặt thẩm mỹ, âm thanh, kỹ xảo hình ảnh phải có sự tham gia của công nghệ. Các thầy nghĩ sao về nhận định này?”

Theo dòng lịch sử điện ảnh, thầy Nghĩa đã chứng minh: “Từ chiếc máy quay đầu tiên của Thomas Edison cho đến những máy quay cải tiến công nghệ của anh em nhà Lumière (Pháp) khoảng những năm 1902, và sau đó nền công nghiệp phát triển đã dẫn đến sự phát triển của nền công nghiệp điện ảnh. Điện ảnh sẽ luôn luôn song hành với sự phát triển của công nghệ, giống như một đôi bạn tri kỷ, không thể tách rời”. 

Đồng thời thầy Nghĩa cũng cho thấy tiềm năng của nhân lực điện ảnh Việt Nam khi gần đây trong bộ phim Squid game (trò chơi con mực) đang làm mưa làm gió trên Netflix và các trang mạng xã hội có sự xuất hiện của đội ngũ người Việt với vai trò ekip sản xuất đồ họa. Điều này cho thấy nguồn nhân lực của Việt Nam chúng ta rất giỏi và luôn bắt kịp xu hướng của thế giới. Điện ảnh cũng giống như trong cuộc sống sẽ có những lúc cao trào và thoái trào nhưng nó luôn đồng hành với công nghệ. Từ phim câm sau đó đến phim có âm thanh, phát triển lên phim 3D, 4D và trong tương lai là 5D… 

Từ mối quan hệ song hành của công nghệ và sản xuất video 2 khách mời đã đưa ra những lời khuyên cho các bạn trẻ: “Dù các bạn có giỏi các kỹ năng gì đi chăng nữa thì vẫn phải nắm chắc những yếu tố căn bản: khuôn hình, cỡ cảnh, ánh sáng… và nguyên lý của nó. Hãy học một cách bài bản, đừng đốt cháy giai đoạn, đi từng bước thật vững thật chắc. Khi đã có một nền tảng vững chắc rồi thì các bạn sẽ phát triển một cách dễ dàng hơn ở tương lai”.

Và, con đường nào dành cho bạn?

Video production là một khái niệm khá rộng gồm: clip viral, TVC quảng cáo, phim ngắn, phim truyền hình, phim điện ảnh…. Vậy với nhiều sự lựa chọn như vậy thì con đường nào dành cho bạn?

Trong khi đó, thầy Nghĩa nhận định: “Bạn sẽ là người mở đường hay là người đi theo những người khác? Quyết định là ở chính bạn và phụ thuộc vào khả năng và bản lĩnh của mỗi người. Tóm lại đường như thế nào là do bạn chọn và chọn con đường nào thì sẽ nhận được kết quả của con đường đấy. Nếu bạn chọn đi đường cao tốc thì phải đi với tốc độ quy định là 120km/h, đi đường rừng thì hãy trang bị cho mình một đôi giày thật tốt, còn nếu bạn định mở đường thì hãy trang bị cho mình một lòng can đảm. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là bạn phải nhấc chân lên và đi chứ đừng nằm hay ngồi một chỗ. Đối với video production, sẽ không có giới hạn con đường cho bạn, bạn thích đi con đường nào cũng được nhưng quan trọng là bạn sẽ mang theo hành trang gì mà thôi”

Chắc hẳn đến đây, các bạn tham dự đã có câu trả lời cho riêng mình. Với môi trường đào tạo chuyên nghiệp như FPT Arena, các bạn sẽ được học tất cả những điều căn bản về video production. Còn lựa chọn con đường phù hợp, các bạn hãy để trái tim và khối óc của mình trả lời. Nếu bạn giỏi hình ảnh, bạn sẽ trở thành quay phim, nếu bạn viết kịch bản tốt bạn sẽ trở thành biên kịch, bạn có khả năng kết nối mọi người bạn sẽ trở thành đạo diễn.

Những câu hỏi liên tục được các bạn tham dự gửi lên phần Zoom chat
Những câu hỏi liên tục được các bạn tham dự gửi lên phần Zoom chat

Trong suốt quá trình diễn ra Zoom Talk, đã có rất nhiều câu hỏi được các bạn gửi về cho ban tổ chức. Từ những câu hỏi mang tính chuyên môn như “Em muốn biết rõ hơn về mối quan hệ giữa motion graphic và video production.” của bạn Trần Đức Hoàng Lân. Câu hỏi này được thầy Hoàng Anh giải đáp: “Video production là một thuật ngữ khá là rộng và bao hàm nhiều ngã rẽ ở trong đó như: sản xuất phim, sản xuất video,… và motion graphic là một nhánh rất nhỏ trong sản xuất video”.

Bên cạnh đó cũng có những câu hỏi rất “trendy” như “Các thầy có thể lý giải tại sao phim Squid game (trò chơi con mực) lại hot không?” của Duy Hoàng. Thầy Nghĩa đã phân tích rất tỉ mỉ: “Bộ phim Squid game hot bởi vì kịch bản phim hấp dẫn: mỗi tập phim như một bộ phim ngắn và đưa ra tình huống tuyệt vời. Thứ hai hay ở tiết tấu phim: tiết tấu căng thẳng, luôn đưa đến người xem nhưng suy nghĩ và khiến người xem đặt câu hỏi. Thứ ba là nằm ở diễn xuất của diễn viên chân thực, tạo cho người xem nhiều cảm xúc. Thứ tư là về hình thức thể hiện: hình thức hiện đại, cảnh quay đẹp, kỹ xảo đẹp”

Vì thời lượng của chương trình có hạn nên BTC chưa thể trả lời hết tất cả các câu hỏi mà các bạn gửi đến. Tuy nhiên, qua quá trình chia sẻ đầy tâm huyết của 2 thầy, chúng mình chắc chắn rằng các bạn đã có được câu trả lời cho thắc mắc của mình rồi phải không nào?

Như thường lệ, sau mỗi buổi “Nói nhỏ, nói to” kết thúc, chúng mình luôn nhận được “cơn mưa” lời cảm ơn chân thành từ những người tham dự. Bạn Nguyễn Anh Đức chia sẻ: “Cảm ơn chị Phương Anh và 2 thầy rất là nhiều ạ. Bản thân em cũng đam mê với edit video nhưng em vẫn còn khá mông lung trên con đường này. Qua buổi chia sẻ em đã biết mình cần làm gì và đi như thế nào để theo đuổi đam mê này”. Bạn Linh lại tâm sự: “Cảm ơn thầy cô vì buổi chia sẻ rất ý nghĩa ạ. Sau mỗi buổi Zoom Talk em lại học được những kiến thức mới và có được những lời khuyên rất bổ ích. Em mong chờ đến buổi chia sẻ tiếp theo quá”. Còn đối với bạn Đức Trung: “Buổi chia sẻ hôm nay thực sự rất bổ ích đối với em, nghe các thầy chia sẻ về quá trình làm nghề và những khó khăn ban đầu em thực sự khâm phục và cảm thấy mình cần học hỏi nhiều hơn nữa để theo đuổi đam mê của mình. Em xin cảm ơn chị Phương Anh, thầy Nghĩa, thầy Hoàng Anh và Ban tổ chức ạ”.

Những lời cảm ơn chân thành được gửi đến các khách mời

Những lời cảm ơn của tất cả các bạn là động lực vô cùng quý giá để FPT Arena tổ chức thêm thật nhiều buổi chia sẻ ý nghĩa khác. Hãy cập nhật nhiều hơn các thông tin, hoạt động, sự kiện tại website hoặc fanpage FPT Arena Multimedia để không bỏ lỡ những chủ đề thú vị, những kiến thức quý giá sẵn sàng cho những ngày “bình thường mới” trong tương lai gần bạn nhé!

“NÓI NHỎ, NÓI TO” là một chuỗi talkshow chia sẻ, lan tỏa kiến thức, tri thức kiến thức, tri thức về đa lĩnh vực, các kiến thức trong sách vở, trường lớp tới những trải nghiệm thực tế. Mỗi tuần sẽ có khoảng 03 talkshow được diễn ra theo chủ đề khác nhau được tổ chức từ nay đến tháng 11/2021.

Với mong muốn ai cũng được tiếp nhận kiến thức & tri thức trong mùa Covid, cùng được trải nghiệm học tập online dù đang ở bất kỳ nơi đâu, Viện đào tạo quốc tế FPT (FAI) cùng các cán bộ, giảng viên, các khách mời, cộng sự và các đối tác tổ chức một chuỗi talkshow với tên gọi NÓI NHỎ, NÓI TO – “Nhỏ – to cùng chia sẻ” để lan tỏa kiến thức, tri thức về nhiều lĩnh vực từ Mỹ thuật Đa phương tiện, Công nghệ thông tin tới Tiếp thị số, các kiến thức trong sách vở, trường lớp tới những trải nghiệm thực tế. 

Cùng tinh thần Sharing & Giving, dự án NÓI NHỎ, NÓI TO – “Nhỏ – to cùng chia sẻ” có mục tiêu lan tỏa giá trị về cả tri thức lẫn tinh thần tích cực tới 4.500 người & dành cho những ai muốn học hỏi thêm kỹ năng mới, tìm hiểu một lĩnh vực mới hay nâng cấp thêm kiến thức của bản thân để sẵn sàng cho công việc sau khi dịch bệnh đã qua đi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sự Kiện Sắp Diễn Ra

Học Bổng & Ưu Đãi

Hỗ trợ Tư Vấn Tuyển Sinh