Thiết kế đồ họa: từ quá khứ đến hiện tại

Lịch sử hình thành

Từ thuở sơ khai, con người đã làm quen với ngôn ngữ giao tiếp bằng ký hiệu. Đó là những hình khắc trên đá mô tả những chuyến đi săn hay xâm chiếm đất đai giữa các bộ lạc. Lịch sử hình thành ngôn ngữ giao tiếp có từ rất lâu và khá đa dạng. Có thể kể ra ở đây như chữ tượng hình của người Ai cập cổ đại, chữ viết tay của người Trung Quốc hay những bản thảo của người trung cổ. Tuy nhiên, thiết kế dành cho in ấn chỉ ra đời sau khi máy in được phát minh. Và cũng từ đó, thiết kế đồ họa được hình thành.

Mặc dù thiết kế đồ họa có vai trò rất quan trọng, song thuật ngữ này mới chỉ trở nên phổ biến trong thời gian gần đây, do một nhà thiết kế người Mỹ là William Addison Dwinggins sáng tạo ra vào năm 1922 và chỉ trở nên thông dụng sau chiến tranh thế giới thứ 2.

Cha đẻ của những thiết kế dành cho quảng cáo là Johann Gutenberg, sinh ra tại Mainz, Đức. Gutenberg là người đầu tiên phát triển kỹ thuật in và cùng với đó là sự ra đời của bản khắc chữ di động vào năm 1440. Trong vòng 6 năm, William Caxton đã thành lập 6 xưởng in tại Anh và Venice. Tính đến cuối thế kỷ 15 đã có khoảng hơn 400 máy in. Nhờ đó mà các kiến thức và thông tin được truyền bá nhanh và rộng hơn.

Một bước tiến nữa trong kỹ thuật in là vào cuối thế kỷ 18, cùng với những phát minh về máy sắp chữ (Linotype năm 1886 và Monotype năm 1887), máy in đã ra đời làm gia tăng đòi hỏi đội ngũ các chuyên gia ngành in ấn. Khi cuộc Cách mạng công nghiệp diễn ra khắp châu Âu, mọi người đổ xô về những thị trấn và thành phố để tìm việc, mạng lưới đường sắt phát triển, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cũng tăng lên. Đây chính là tiền đề cho sự phát triển của một hệ thống thông tin truyền thông mới.

Năm 1904, kỹ thuật in offset ra đời cùng với sự phát triển của ngành sản xuất mực in, giấy, các phát minh về máy tạo nếp gấp, dập ghim và đóng gáy sách, in máy đã trở nên linh hoạt và đa dạng hơn nhiều so với in thủ công. Hơn nữa, sự phát triển của quảng cáo đã làm cho hệ thống thông tin truyền thông phụ thuộc nhiều vào in ấn, mặc dù sau này còn có đài, ti vi và phim ảnh. Vai trò của các nhà thiết kế cũng trở nên quan trọng hơn nhiều.

Ban đầu, việc in ấn còn thủ công với những hình minh họa khắc sẵn trên bản khắc gỗ, bản in đá hay bản kẽm còn các dấu chấm được khắc trên một trục lăn bằng thép mạ đồng. Sau đó, người ta dần phát triển lên thành máy sắp chữ và máy in. In ấn bị trì hoãn do chiến tranh thế giới thứ nhất và phải mãi đến khi Addison Dwiggin sáng tạo ra thuật ngữ “thiết kế đồ họa” vào đầu những năm 20 thế kỷ 19 thì mới khởi sắc trở lại.

Những xu hướng nền tảng của thiết kế đồ họa hiện đại

Cuối thế kỳ 19 là thời kỳ ảm đạm của ngành thiết kế và kỹ thuật tạo chữ song thiết kế trong in ấn lại có bước phát triển đáng kể. Đó là sự ra đời của kiểu chữ gạch chân và có trang trí của William Morris trong trào lưu Mỹ thuật và Thủ công, hay Henri de Toulouse-Lautrec, Aubrey Beardsley, Alphonse Mucha và Gustav Klimt của trào lưu Art Nouveau. Ngoài ra, còn có kiểu chữ Gill Sans của Edward Gill vào năm 1915. Và đến năm những năm 1930, những thiết kế của Bauhaus đã thực sự trở thành tiên phong cho xu hướng “kỹ thuật tạo chữ mới.”

Bauhaus là trường dạy thiết kế đầu tiên nhằm kết nối giữa nghệ thuật và công nghiệp, loại bỏ những khác biệt giữa nghệ thuật và kỹ thuật. Các học viên của trường Bauhaus, ngoài được dạy về kiến trúc còn được nghiên cứu về hai mảng của thiết kế đồ họa là kỹ thuật tạo chữ và thuật nhiếp ảnh.

Trong suốt những chiến tranh thế giới thứ hai, Bauhaus lại khởi đầu cho xu hướng Swiss School, một xu hướng hiện đại trong thiết kế đồ họa với kiểu International Graphic. Các kiểu chữ phần lớn đều là chữ thẳng, rõ ràng và trông rất đơn giản. Phải kể ra ở đây có các nhà thiết kế của Anh, Mỹ với các tranh cổ động khá ấn tượng. Hay F.H.K Henrison và Abram Games thiên về ý nghĩa của tác phẩm.

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, các nhà thiết kế ở Mỹ và Châu Âu đã tiên phong trong việc kết hợp chữ với hình ảnh, tạo kiểu chữ rất ấn tượng và linh hoạt. Suốt những năm từ thời kỳ hậu chiến cho đến cuối những năm 1950 sử dụng thiết kế đồ họa trong quảng cáo đã có nhiều bước đột phá.

Paul Rand (làm việc cho IBM, UPS và Hãng ABC Television) và Herbert Matter (thiết kế cho Knoll International and Condé Nast) đã chứng minh rằng thiết kế đồ họa cuối cùng cũng được công nhận là một nhánh độc lập của thiết kế nói chung. Cùng với đó, thiết kế đồ họa ngày càng trở nên quan trọng hơn trong các chiến dịch xúc tiến và quảng cáo sản phẩm của các công ty. Họ ngay càng thuê nhiều hơn các nhà thiết kế đồ họa để tạo ra sự khác biệt của sản phẩm công ty họ với những đối thủ của mình.

Những xu hướng bị lãng quên

Trước những năm 1960, thế hệ những nhà thiết kế trẻ hơn đã đặt câu hỏi về tính thẩm mỹ nhàm chán trong xu hướng cận đại, và một kỷ nguyên mới của kinh nghiệm và chủ nghĩa thể hiện ra đời. Thiết kế đồ họa hướng tới Pop Art, nó đã chịu ảnh hưởng nhiều của nghệ thuật trong quảng cáo và mang lại hơi thở mới cho ngôn ngữ ký hiệu này. Đến cuối thập niên 60, tranh ảnh cổ động chống chiến tranh Việt Nam đã không còn theo khuynh hướng của xu hướng cận đại nữa.

Ngành xuất bản báo chí trong những năm 1950 đã tập trung vào các mẫu thiết kế thiên về nhiếp ảnh hơn là minh họa. Mở đầu là Picture Post và đến những năm 60 thì có nhiều tạp chí áp dụng cách này hơn, tiêu biểu là tạp chí Oz do Martin Sharp phụ trách Mỹ thuật. Dần dần, phương thức này đã trở thành xu thế chủ đạo trong lĩnh vực xuất bản.

Ảnh hưởng của nạn thuốc phiện ở San Francisco cuối những năm 1960 đã dẫn tới các thiết kế theo kiểu hippy đa màu sắc, đa tầng lớp và đa diện, điển hình là bìa Album Disraeli Gear của Cream do Martin Sharp thực hiện. Phong cách này hoàn toàn tương phản với Swiss School. Cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, trào lưu hippy bắt đầu sụp đổ, thuốc gây nghiện bị kiểm soát và kinh doanh chuyển sang hướng mới, mang trở lại những khái niệm về tình yêu và hòa bình nhằm đánh thức giới trẻ. Mối liên hệ giữa thiết kế đồ họa và văn hóa cộng đồng chuyển sang một hướng mới.

Từ giữa cho đến cuối những năm 1970, nhạc Punk thống trị nước Mỹ và sau đó lan sang Anh, thiết kế đồ họa lại thêm một lần nữa bước một bước lùi. Nhạc Punk giống như chất xúc tác cho sự thay đổi. Những mẫu thiết kế đồ họa thời kỳ này đều mang phong cách giận dữ và tự do thái quá, luôn thể hiện bản thân và những phản ứng gay gắt của một lớp trẻ thoái hóa. Không những thế, tác phẩm thời gian này còn xem thường tính tinh tế, lịch thiệp của xu hướng Cận đại. Tiêu biểu cho phong cách này là Jamie Reid’s với những tác phẩm thiết kế bìa đĩa choThe Sex Pistols: hình ảnh nữ hoàng với những ghim băng ghim trên miệng, những câu khẩu hiệu: “Không có tương lai” hay “Đừng bao giờ tin tưởng một kẻ Hippy”. Rõ ràng, Punk đã đi ngược lại với nghệ thuật thiết kế.

Làn sóng mới và kỹ thuật mới

Cùng thời gian với trào lưu Punk, tại Mỹ và Hà Lan đã xuất hiện một trào lưu thiết kế đồ họa: hậu cận đại. Trào lưu này đã có thể đã chấm dứt xu hướng cận đại khi đưa ra các tác phẩm nhằm lôi kéo người xem đến với những phương tiện thông tin truyền thông khác như quảng cáo, nghệ thuật, phim và nhiếp ảnh. Chính làn sóng này là bước mở đầu cho việc sử dụng máy vi tính như một công cụ thiết kế.

Đến giữa thập niên 80, Apple cho ra đời Macintosh khiến cho trào lưu Làn sóng mới trở nên sôi động hơn, và đặc biệt là mở đường cho những tiến bộ kỹ thuật cũng như những sáng tạo mới. April Greiman, thuộc trào lưu Làn sóng mới ở California là người tiên phong trong việc khai thác những khả năng của công nghệ mới nhằm sắp đặt các ký tự với hình ảnh, một mảng quan trọng của thiết kế đồ họa. 20 năm sau, với sự hỗ trợ đắc lực của kỹ thuật số, bản chất của thiết kế đồ họa đã thay đổi và dường như sự ra đời của các tác phẩm mới chẳng bao giờ kết thúc (Neville Brody, David Carson, Jonathan BarnBrook).

Liệu thiết kế đồ họa và thiết kế cho in ấn sẽ tiếp tục đi đến đâu? Vấn đề đáng tranh luận nhất là việc in ấn ngày nay dựa vào chủ yếu là in kỹ thuật số trong khi chất lượng thì không cao hơn nhiều so với in truyền thống. Do vậy, có thể nói xu hướng ngày nay là giải quyết vấn đề giá cả, đồng thời, nâng cao chất lượng các tác phẩm. Đến khi đó, thiết kế đồ họa vẫn sẽ tạo ra những ngôn ngữ thiết kế và phương tiện giao tiếp bằng ký hiệu, thậm chí là có thể không cần đến sự chấp nhận của xã hội.

MinhPC dịch từ Computer Art 7/2007

Khối Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

Trường Đào Tạo Mỹ Thuật Đa Phương Tiệnhttps://arena.fpt.edu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sự Kiện Sắp Diễn Ra

Học Bổng & Ưu Đãi

Hỗ trợ Tư Vấn Tuyển Sinh