Quy trình làm việc chuyên nghiệp dành cho các Designer

Là một Designer, trước khi bắt tay vào thực hiện bất kỳ một dự án nào bạn thường làm những gì? Có phải là nhận yêu cầu rồi bắt tay vào phác thảo và thực hiện?

Để tạo ra một sản phẩm Multimedia hoàn chỉnh sẽ cần nhiều công sức và chất xám, vì vậy, cần phải có một kế hoạch tốt và làm việc theo một quy trình chuyên nghiệp sẽ là cách tốt nhất để kế hoạch của bạn đạt được kết quả tốt nhất, đặc biệt với các bạn mới bắt đầu và chưa có nhiều kinh nghiệm.

Có một quy trình thiết kế rõ ràng, sẽ giúp bạn biết được mong muốn của khách hàng ngay từ đầu và đưa ra những phương án thiết kế phù hợp, đồng thời cũng giúp bạn hình dung sản phẩm cuối cùng và cho phép khách hàng thực hiện các thay đổi trước khi thiết kế được hoàn thiện. 

Có thể bạn sẽ có cách làm việc của riêng mình, nhưng quy trình làm việc được tổng hợp dựa trên kinh nghiệm của các nhà thiết kế hàng đầu trên khắp thế giới dưới đây cũng đáng để bạn tham khảo đó nhé! Hãy cùng khám phá thôi nào.

Bước 1: Xác định brief

Bản tóm tắt của một dự án thiết kế giúp bạn hiểu được phạm vi của dự án và kết quả mong muốn. Nó phải bao gồm tất cả các thông tin liên quan để tránh sai sót và nhầm lẫn.

Những thông tin bạn cần có trong brief là:

  • Chi tiết công ty của khách hàng
  • Nguyên tắc thương hiệu của khách hàng
  • Khách hàng mục tiêu
  • Nguyện vọng của khách hàng
  • Loại thiết kế: thiết kế bộ nhận diện, thiết kế ấn phẩm truyền thông quảng cáo…
  • Budget
  • Deadline

Bước 2: Tiến hành nghiên cứu 

Sau khi đã nghiên cứu bản bản brief, bạn nên tiến hành research dựa trên những thông tin đã có để định hình những hướng thiết kế phù hợp và có giá trị. Ví dụ các chiến dịch tiếp thị B2B có thể sẽ yêu cầu khác so với chiến dịch hướng đến người tiêu dùng.

Một cách hiệu quả để tiến hành nghiên cứu là xem xét mục đích cuối cùng của chiến dịch lần này là gì. Bạn cũng nên xem đối tượng khách hàng mục tiêu đang tương tác những gì trên mạng xã hội và nghiên cứu thêm các thiết kế của đối thủ cạnh tranh.

Bước 3: Brainstorm và thiết lập moodboard

Với những nghiên cứu đã có, bước tiếp theo cần làm đó là suy nghĩ về những ý tưởng mà mình sẽ thực hiện và moodboard là một cách hay để khơi nguồn sáng tạo. Moodboard là một tập hợp các hình ảnh, chất liệu khác nhau để hình dung về ý tưởng, cảm xúc mà thiết kế sẽ mang lại. 

Một lợi thế khác của việc sử dụng moodboard là cộng tác dễ dàng hơn với các thành viên trong nhóm. Ngoài ra, nó giúp khách hàng hình dung ý tưởng và concept thiết kế. Nếu họ không hài lòng với những gì họ thấy, bạn có thể thực hiện thay đổi trước khi dự án hoàn thành.

Bước 4: Phác thảo ý tưởng

Giai đoạn tiếp theo trong quy trình thiết kế đó là phác thảo sơ bộ về những ý tưởng của bạn. Bản phác thảo thô có thể được thực hiện bằng tay hoặc kỹ thuật số. Bạn nên sử dụng moodboard đã thực hiện ở bước 3 để lấy cảm hứng và đi đúng hướng. 

Bản phác thảo không cần cầu kỳ hay chi tiết quá mức mà chỉ cần là những phác thảo sơ bộ nhất để bạn hình dung về thiết kế và có sự so sánh giữa các ý tưởng đã bật lên trong đầu mình.

Bước 5: Thực hiện 

Từ những phác thảo đã có, giờ sẽ là lúc bạn cân nhắc xem bản phác thảo nào là hợp lý nhất và tiến hành bắt tay vào thực hiện.

Trong bước này, bạn cũng có thể gửi bản demo cho khách hàng để xem thiết kế có đang đúng với mong muốn của họ hay không và họ có phản hồi gì với bản thiết kế không. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý đến thời gian trên bản brief để đảm bảo hoàn thiện đúng deadline đã đề ra.

Bước 6: Hoàn thiện thiết kế 

Bây giờ bạn có thể chuyển sang giai đoạn cuối cùng – hoàn thiện thiết kế dựa trên những phản hồi.  Nhưng trước tiên, hãy đánh giá xem phản hồi từ khách hàng có hợp lý hay không. Nếu phản hồi là hợp lý thì bạn có thể tiến hành chỉnh sửa lại, còn nếu không thì bạn có thể phân tích để khách hàng hiểu và đồng ý với phương án thiết kế. 

Thông thường, các Designer thường đặt ra quy định là khách hàng được yêu cầu chỉnh sửa tối đa 3 lần. Điều này, sẽ khiến khách hàng phải cân nhắc thật kỹ trước khi yêu cầu chỉnh sửa và đảm bảo hai bên sẽ hài lòng trong quá trình làm việc. 

Trên đây là quy trình 6 bước mà các Designer thường áp dụng trong quá trình làm việc. Một quy trình tốt sẽ giúp bạn làm việc khoa học và hình dung kết quả trước khi bắt đầu, ngăn ngừa sự nhầm lẫn giữa nhà thiết kế và khách hàng. Có thể bạn sẽ không làm việc theo quy trình như trên và bạn có cách làm việc của riêng mình, nhưng điều quan trọng cuối cùng cần đạt được đó là sự hài lòng giữa 2 bên và thiết kế của bạn giúp ích cho khách hàng. 

Nguồn Dribbble

Việt hóa bởi FPT Arena Multimedia

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sự Kiện Sắp Diễn Ra

Học Bổng & Ưu Đãi

Hỗ trợ Tư Vấn Tuyển Sinh